Ngày 24/9, Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII (nhiệm kỳ 2023-2028) bế mạc sau 3 ngày làm việc, với nhiều đề xuất mới liên quan đến tiền lương, BHXH cho NLĐ…
Tham dự Lễ bế mạc có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; cùng 549 đại biểu đại diện cho hơn 1,3 triệu đoàn viên, NLĐ trên địa bàn TP.HCM.
Lãnh đạo Thành ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi cùng các đại biểu
Đáng chú ý, tại Đại hội, thay mặt đoàn viên, NLĐ trên địa bàn thành phố, LĐLĐ TP.HCM đã đưa ra hàng loạt kiến nghị, đề xuất mới liên quan đến tiền lương, chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ. Cụ thể, kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần ban hành Luật Tiền lương tối thiểu; thúc đẩy thực hiện nhanh việc cải cách chế độ tiền lương đối với CBCCVC và NLĐ, nhất là đối tượng giáo viên, nhân viên ngành y tế và cán bộ cấp xã, phường, thị trấn (kể cả cán bộ không chuyên trách cấp xã), để đoàn viên, NLĐ có thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, theo LĐLĐ TP.HCM, hiện nay vẫn còn tình trạng DN nợ BHXH, BH thất nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, nhất là việc giải quyết chế độ cho nữ CNLĐ nghỉ thai sản, NLĐ mất việc. Vì vậy, Công đoàn TP.HCM đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan xử lý nghiêm các đơn vị, DN nợ BHXH; không nên để nợ BHXH quá lớn rồi mới tiến hành xử lý hành chính hoặc hình sự, vì khi tiến hành xử lý thì quyền lợi hợp pháp của NLĐ đã bị thiệt hại. LĐLĐ TP.HCM cũng kiến nghị, Luật BHXH cần xác định cơ quan quản lý nhà nước xử lý việc DN chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Công đoàn TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tiền lương, BHXH
“Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” cần được thể chế hóa nhanh và đột phá bằng các quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị”- đại diện LĐLĐ TP.HCM nhấn mạnh.
Đưa ra một số kiến nghị với Thành ủy TP.HCM, đại diện LĐLĐ Thành phố đề xuất cần chỉ đạo các cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về việc thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở cơ sở và tại nơi làm việc, việc tổ chức hội nghị NLĐ để đối thoại định kỳ trong các đơn vị, DN ngoài khu vực nhà nước, cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, kiến nghị UBND Thành phố cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với tổ chức Công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tại nơi làm việc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật ATVSLĐ... nhằm đảm bảo sức khỏe cho NLĐ; đồng thời cần có biện pháp chế tài xử lý đối với những DN cố tình vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, cho phép và tạo điều kiện để LĐLĐ Thành phố tham gia hiệu quả hơn vào công tác đào tạo chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho đoàn viên, NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh có những tác động lớn đối với các ngành thâm dụng lao động như: Dệt may, da giày, chế biến gỗ...
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Đại hội
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị tổ chức Công đoàn Thành phố cần tính toán, chủ động huy động nguồn lực bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, cần chủ động phối hợp với các tổ chức đại diện, hiệp hội người SDLĐ đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo vệ việc làm, quyền và phúc lợi xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho CNLĐ.
Đồng thời, tổ chức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, nhất là lao động nữ, lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức. Huy động nguồn kinh phí hỗ trợ của các cấp chính quyền và tài chính Công đoàn đối với NLĐ bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn...
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cũng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn TP.HCM đã thành lập mới hơn 6.741 Công đoàn cơ sở, kết nạp mới 617.241 đoàn viên, đạt 116,5% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra. Bên cạnh đó, đã tuyên truyền, vận động, tập hợp hơn 8.400 lao động khu vực phi chính thức, thành lập 148 nghiệp đoàn cơ sở- là địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này.
Ra mắt Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP.HCM
“Các cấp Công đoàn Thành phố cần tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến nhu cầu, quyền lợi đoàn viên, NLĐ, hoạt động Công đoàn. Tiếp nhận và xử lý có hiệu quả các phản ánh nguyện vọng, lợi ích của đoàn viên, NLĐ. Tăng cường thuyết phục chủ DN và NLĐ tham gia thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị-xã hội trong các DN ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nơi có đông CNLĐ, nơi tiềm ẩn phức tạp”- ông Nguyễn Đình Khang yêu cầu.
Cũng tại Đại hội, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành LĐLĐ TP.HCM nhiệm kỳ mới gồm 55 ủy viên. Ngay sau đó, Ban Chấp hành khóa XII đã bầu Ban Thường vụ LĐLĐ TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 17 người. Trong đó, bà Trần Thị Diệu Thúy- Chủ tịch LĐLĐ Thành phố khóa XI tiếp tục được bầu làm Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM khóa XII; cùng 4 Phó Chủ tịch gồm ông Trần Đoàn Trung, bà Lê Thị Kim Thúy, ông Phạm Chí Tâm và ông Phùng Thái Quang.
Tại Đại hội lần này, BHXH TP.HCM có 2 đại diện được bầu vào Ban Chấp hành và Ủy ban Kiểm tra khóa XII (nhiệm kỳ 2023-2028) gồm: Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung- Phó Giám đốc BHXH Thành phố được bầu Ủy viên Ban Chấp hành LĐLĐ TP.HCM; ông Hồ Hải Luận- Trưởng phòng Thanh tra-Kiểm tra được bầu tham gia Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP.HCM.
Phạm Thọ