Đây là con số đưa ra tại Hội nghị Đánh giá tình hình hỗ trợ NLĐ tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ngày 12/9, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện công tác hỗ trợ NLĐ các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đối với 33 huyện nghèo thuộc 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Bá Hoan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đưa người đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn. Ngoài việc tích lũy kinh nghiệm, tác phong làm việc khoa học, kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, NLĐ phần lớn là thanh niên trở về địa phương đã góp phần tích cực tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực tham mưu, xây dựng chính sách và chỉ đạo triển khai, thúc đẩy đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Đối với NLĐ tại các huyện nghèo, vùng đồng bào DTTS, các xã bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng còn khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội, việc đi làm việc ở nước ngoài là một kênh tích cực, hiệu quả, nhanh chóng, giúp giảm nghèo bền vững.
Ông Đặng Sỹ Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước chia sẻ, đến nay, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.800 NLĐ, tạo điều kiện cho gần 5.600 lao động tiếp cận các chính sách, thủ tục để đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Chính quyền các địa phương chú trọng tuyên truyền, thông tin những ngành nghề, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhu cầu của thị trường việc làm các nước đến với NLĐ có độ tuổi, năng lực phù hợp. “Giai đoạn 2021-2025, cả nước có 118.000 lượt NLĐ được tư vấn làm việc chủ yếu ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Dư nợ cho vay NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện nghèo đạt gần 185 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại 33 huyện nghèo thuộc 14 tỉnh Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long”- ông Dũng khẳng định.
Từ thực tế địa phương, ông Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, thông qua các chương trình đưa NLĐ tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhiều người, gia đình đã thoát nghèo; không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, vươn lên làm giàu, khá giả, đóng góp tích cực vào công tác phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Tuy nhiên, số lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Quảng Nam chưa nhiều.
Tại Hội nghị, các đại biểu chỉ ra những khó khăn, bất cập trong quá trình hỗ trợ NLĐ ở các huyện nghèo đi lao động ở nước ngoài. Trong đó, vấn đề đặc thù ngành nghề, văn hóa vùng miền, thủ tục và thời gian dài đã ảnh hưởng đến tâm lý NLĐ. Mặt khác, chính sách hỗ trợ kinh phí còn hạn chế nên công tác tuyển dụng lao động nước ngoài chưa cao. Do đó thời gian tới, các cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường hướng dẫn thực hiện hỗ trợ về kinh phí, đào tạo nghề nhằm thúc đẩy NLĐ thuộc các huyện nghèo, đặc biệt đối với thanh niên nghèo, thanh niên chưa có việc làm, tích cực đăng ký tham gia làm việc ở nước ngoài…
Nguyệt Hà