Theo ông Phan Văn Mến– Giám đốc BHXH TP.Hà Nội, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm luôn được xác định là giải pháp “mạnh”, có hiệu quả tích cực trong việc giảm chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Chỉ tính trong tháng 4/2024, Hà Nội đã có 190 cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT) về công tác BHXH được thực hiện; lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 đã thực hiện 802 cuộc, trong đó, có 639 cuộc thực hiện theo kế hoạch (thanh tra chuyên ngành 11 đơn vị, kiểm tra đơn vị SDLĐ 372 đơn vị, kiểm tra nội bộ 15 đơn vị và phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành 252 đơn vị) và 152 cuộc thực hiện đột xuất.
Sau TTKT, số tiền BHXH Hà Nội thu hồi chậm đóng do DN khắc phục đạt 67,8 tỷ đồng (bằng 79,6%); xử phạt vi phạm hành chính 10 đơn vị DN với số tiền 1.054.657.886 đồng. Song, bên cạnh rất nhiều DN cố gắng bố trí nguồn kinh phí để truy thu khắc phục số tiền chậm đóng thì vẫn còn những DN chưa hề có “động thái” nào thực hiện kết luận TTKT.
Tuy nhiên, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT vẫn ở mức 5.821,5 tỷ đồng (bằng 8,24% số phải thu), số chậm đóng BHXH phải tính lãi lên đến 1.924,7 tỷ đồng (bằng 2,72%) (tính đến ngày 5/5/2024).
Chỉ tính những đơn vị DN chậm đóng BHXH trên 10 tỷ đồng thì Hà Nội đã có 24 DN. Dẫn đầu danh sách này là: Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX (Tầng 2, Tòa 25T1 Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy), chậm đóng 57.821.598.957 đồng; Tiếp đó là Công ty Cổ phần LILAMA3 (Số 86 đường Tân Xuân, Phường Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm) chậm đóng 45.085.293.414 đồng; Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VIT Garment (Khu CN Quang Minh, huyện Mê Linh) chậm đóng 41.172.603.993 đồng; Công ty Cổ phần Cầu 12 (463 Nguyễn Văn Linh, Phúc Đồng, quận Long Biên) chậm đóng 29.848.804.645 đồng; Chi nhánh Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên VINAXUKI (Tòa nhà Viglacera, số 2 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) chậm đóng 24.912.072.162 đồng; Công ty Cổ phần Eurowindow (Tòa nhà Eurowindow, 2 Tôn Thất Tùng, Trung Tự, quận Đống Đa) chậm đóng 22.973.137.761 đồng.
Hay Công ty CP Sông Đà 6 (Nhà TM- Văn Khê, La Khê, quận Hà Đông) chậm đóng 21.141.089.895 đồng; Công ty Cổ phần 116 - CIENCO 1 (Số 2 phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân) chậm đóng 19.949.905.687 đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng 121 CIENCO1 (Số 2 đường Ngọc Lâm, Ngọc Lâm, quận Long Biên) chậm đóng 19.905.503.039 đồng; Xí nghiệp cầu 17- CIENCO 1 (Tầng 12, số 623 La Thành, quận Ba Đình) chậm đóng 18.052.080.409 đồng; Công ty Thi công Cơ giới I- CN Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1- Công ty CP (Tầng 7, số 623 Đường La Thành, quận Ba Đình) chậm đóng 17.465.439.195 đồng…
Theo phân tích, chia nhóm của BHXH TP.Hà Nội, hầu hết những đơn vị DN nợ lớn, dây dưa kéo dài như trên thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, giao thông, cầu đường…; một số DN thuộc lĩnh vực may mặc, giáo dục… Đây cũng là những đơn vị, DN mà BHXH phối hợp các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp từ tuyên truyền vận động, đến đôn đốc, nhắc nhở, TTKT nhiều lần… nhưng số tiền chậm đóng BHXH vẫn còn đó- như một “gánh nặng” chưa được trút bỏ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.
Tình trạng chậm đóng khiến tiến độ thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở Hà Nội bị ảnh hưởng. Tính đến hết tháng 4/2024, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở Hà Nôi mới đạt 20.600,6 tỷ đồng (đạt 30,7% Kế hoạch năm) dù đã tăng 1.965 tỷ đồng (tương đương tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2023). Toàn thành phố có 5 đơn vị đạt tỷ lệ thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cao nhất, đó là: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Phú Xuyên và Thường Tín.
Tại cuộc giao ban công tác BHXH, BHYT tháng 5/2024 của BHXH TP.Hà Nội mới đây, ông Phan Văn Mến yêu cầu các phòng nghiệp vụ và BHXH 30 quận, huyện cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao chất lượng và hiệu quả từng cuộc TTKT; Phấn đấu số thu trong tháng 5/2024 đạt 6.200 tỷ đồng, lũy kế số thu 5 tháng đạt 26.625,5 tỷ đồng và giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi dưới 2,5%.
Châu Anh