LĐLĐ TP.HCM vừa tổ chức Chương trình Đồng hành cùng Doanh nghiệp nhằm gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ ý kiến của DN đối với hoạt động Công đoàn Thành phố. Tại đây, nhiều DN đã phản ánh việc muốn đóng BHXH nghiêm túc nhưng nhiều công nhân lại thích… né.
Chia sẻ thực trạng này với Lãnh đạo UBND TP.HCM, cũng như đại diện tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH, bà Phùng Thị Minh Nghĩa- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), đóng ở quận 6 (TP.HCM), cho biết hiện nay rất nhiều DN tại TP.HCM đang thiếu lao động nhưng công nhân thì chỉ muốn làm thời vụ, né đóng BHXH, BHYT cho chính mình. DN làm đúng luật, yêu cầu ký HĐLĐ, đăng ký, khai báo với cơ quan BHXH tham gia đầy đủ thì họ không “đầu quân” vào. Thực trạng này đã dẫn đến tình trạng các DN sản xuất ở TP.HCM rất khó tuyển lao động. Để ứng phó, tại Công ty Bình Tiên luôn nỗ lực cải tiến, đưa máy móc thiết bị vào nhiều khâu để giảm bớt sức người. Tuy nhiên, DN vẫn luôn trong tình trạng thiếu 5-7% nhân lực.
Lãnh đạo Biti’s cũng đưa ra phân tích cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến các DN ở thành phố thiếu lao động. Đầu tiên, là do những công nhân bỏ về quê sau đợt dịch, kinh tế khó khăn. Nhóm này trở về địa phương làm ở các xưởng gia công nhỏ lẻ, chủ trả luôn các khoản đóng BHXH vào lương. Lý do tiếp theo là lao động 30-35 tuổi đã có thời gian đóng BHXH trên 10 năm và giờ muốn nhận BHXH một lần. Những công nhân này có độ chín về nghề nhưng dễ rời bỏ DN. Sau khi nghỉ việc, trong thời gian chờ đủ năm để nhận trợ cấp một lần, họ sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp và tìm những công ty ký hợp đồng thời vụ nhằm né tham gia BHXH để làm việc. Thực trạng khá phổ biến này dẫn đến hệ lụy là bản thân các DN tuân thủ đúng pháp luật lao động, luật BHXH thì mất lao động, khó tuyển được người.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh An- Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Samho Việt Nam (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, hiện nay DN này đang thiếu hơn 1.500 lao động nhưng tuyển người rất khó. Theo ông An, công nhân muốn né đóng BHXH nên chỉ đi tìm việc ở các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ và không ký HĐLĐ, nhận lương theo ngày, tuần. Do đó DN tuân thủ đúng luật, nghiêm túc thì bị lao động… “chê”. Bởi, theo quy định sau thời gian thử việc, công ty phải ký HĐLĐ chính thức, đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ.
"Ít nhất trong một năm đầu sau khi nghỉ việc, công nhân sẽ không muốn vào làm chính thức tại công ty mới. Bởi lẽ, trong suốt thời gian này họ vừa nhận trợ cấp thất nghiệp, vừa làm thời vụ để không phát sinh đóng BHXH, đảm bảo điều kiện nhận BHHX một lần. Nhiều công nhân có tay nghề, thâm niên, bộ phận nhân sự công ty gọi điện trực tiếp “mời” đến thương lượng mức lương cao nhưng họ vẫn từ chối” – ông An nói.
Ông Trần Dũng Hà– Phó Giám đốc BHXH TP.HCM
Theo đại diện một số DN, bất cập nói trên một phần do cách thức thực thi pháp luật hiện nay mang lại. Trên thực tế, các DN xuất khẩu lớn luôn bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của nhãn hàng, phải luôn tuân thủ pháp luật, chậm trả lương, đóng BHXH sẽ bị nhắc nhở ngay. Trong khi các xưởng gia công nhỏ lẻ, tổ hợp gia đình không đăng ký lao động, không tham gia BHXH, BHYT lại “lọt lưới”, tạo thành điểm đến cho lao động kiểu tự do.
Vì vậy, các DN đề xuất cơ quan quản lý lao động, ngành BHXH cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra để các đơn vị SDLĐ cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về BHXH, BHYT cho NLĐ. Từ đó, giúp DN tạo sự công bằng trong cạnh tranh nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các DN cũng đóng góp, trao đổi nhiều ý kiến xung quanh các dự án, dự thảo Luật đang được sửa đổi như Luật Việc làm, Luật BHXH, Luật Công đoàn.
Tham dự Chương trình, ông Trần Dũng Hà– Phó Giám đốc BHXH TP.HCM đã có những trao đổi, giải đáp nhằm làm rõ nhiều nội dung liên quan đến chính sách BHXH, BHYT mà các DN trên địa bàn quan tâm đặt ra.
Phạm Thọ