Chính phủ Hàn Quốc cho biết, cứ 10 người cao tuổi ở nước này thì có 6 người nhận thấy thu nhập của họ không đủ sống.
Số liệu trên được công bố trong bối cảnh Hàn Quốc đang rơi vào tình trạng dân số già hóa nhanh, với số người cao tuổi đang ở mức kỷ lục, với 1,97 triệu người ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) công bố ngày 26/9, 61,1% người từ 65 tuổi trở lên cho biết thu nhập của họ không đủ sống, so với 7,9% người trả lời rằng họ có thu nhập đủ để sống dư giả.
Năm 2022, tổng số người cao tuổi của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt qua con số 9 triệu. Trong năm 2023, người cao tuổi chiếm 18,4% trong tổng số 51,5 triệu dân của Hàn Quốc. Ước tính con số này sẽ tiếp tục tăng, chiếm 20% dân số chỉ trong vòng 2-3 năm nữa, chiếm 30,1% vào năm 2035 và 46,4% vào năm 2070.
Cũng theo dữ liệu ngày 26/9, Hàn Quốc có tỷ lệ nghèo đói đối với người cao tuổi cao nhất ở một số nền kinh tế lớn. Con số lên tới 34,8% khi đánh giá thu nhập ròng, lớn hơn nhiều so với 11,8% của Đức, 10,8% của Mỹ và 9,8% của Vương quốc Anh. Thực tế này khiến nhiều người ở Hàn Quốc vẫn làm việc sau khi nghỉ hưu để thoát nghèo. Cụ thể, tỷ lệ người già vẫn đang làm việc đạt mức 36,2% trong năm 2022, cao hơn mức trung bình 15% của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và cao nhất trong số 36 quốc gia thành viên OECD.
Một cuộc thăm dò năm 2020 cho kết quả, 67% người cao tuổi ở Hàn Quốc muốn tiếp tục làm việc đến năm 73 tuổi. Tuy nhiên, rất khó để họ có thể duy trì hoặc xin công việc khác.
KOSTAT cho biết, mặc dù quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng nhưng những đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già lại không chắc chắn, nên người cao tuổi ngày càng mong muốn làm việc thêm. Một trong các nguyên nhân chính là xu hướng bị buộc phải nghỉ hưu non, bởi như vậy, người lao động nhận được lương hưu hoặc gói trợ cấp thôi việc thấp hơn rất nhiều so với quy định, dẫn đến không đủ cho họ trang trải sinh hoạt phí cũng như an sinh xã hội.
Ngoài thu nhập thấp, các công việc không mang tính chất hợp đồng còn không đi kèm bất cứ phúc lợi nào. Nhiều cao niên nghèo, vì không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, đã tự sát. Năm 2020, tỷ lệ người trên 80 tuổi tử vong vì tự sát ở Hàn Quốc là 62,6/100 nghìn ca, cao nhất OECD.
Khi được hỏi có muốn sống cùng con cái hay không, 75,7% người cao tuổi nói "không". Tỷ lệ này đặc biệt cao đối với những người cao tuổi có việc làm, với 81,9% trong số họ phản đối ý tưởng sống cùng con cái, trong khi 72,9% những người không có việc làm cùng chung quan điểm.
Theo một báo cáo hồi tháng 8 của KOSTAT, cứ 5 người cao tuổi ở Hàn Quốc thì có hơn 1 người sống một mình- con số cao kỷ lục từ trước đến nay, làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề già hóa dân số ở quốc gia Đông Bắc Á này.
KOSTAT chỉ ra rằng, những người lớn tuổi sống một mình có xu hướng ít thành công hơn trong công việc so với những người có một hoặc nhiều thành viên trong gia đình. Cơ quan này cho biết thêm, chỉ có 41% số hộ gia đình một người có thể tìm được việc làm vào năm 2022, so với 61,2% ở những hộ gia đình có nhiều thành viên hơn. Về thu nhập, năm ngoái, các hộ gia đình một người có thu nhập trung bình hàng tháng là 1,57 triệu won, so với 3,75 triệu won của những hộ gia đình có nhiều hơn một thành viên.
Tính trên phạm vi toàn cầu, Hàn Quốc có khả năng trở thành đất nước có dân số già nhất, đứng thứ 6 thế giới, sau Nhật Bản, Italia, Đức, Thụy Điển và Pháp.
Hoàng Dương