Lễ Kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Vua Đinh Tiên Hoàng dự kiến diễn ra vào 8 giờ ngày 24/3/2024 tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm có các hoạt động như Lễ Rước kiệu, tế yết và an vị, thi Mâm ngũ quả tiến vua, thi Lễ vật dâng vua, thi đấu Cờ người và trưng bày thư pháp diễn ra trong không khí trang trọng và tôn nghiêm. Ngoài ra có nhiều sự kiện khác như ra mắt cuốn sách Gia Viễn- Lịch sử Văn hóa; Ngày hội đọc sách; Cuộc thi Hoa Trạng nguyên; Hội diễn nghệ thuật quần chúng; Cuộc thi Ươm mầm tài năng hướng dẫn viên du lịch nhí; Lễ hội Đền Thánh Nguyễn... và nhiều hoạt động khác nhằm tăng cường sự kết nối văn hóa và phát triển du lịch trong khu vực. Bên cạnh đó, còn diễn ra cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật, nhằm giới thiệu vẻ đẹp độc đáo của cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, và con người quê hương Vua Đinh. Đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Đền thờ vua Đinh
Để lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của địa phương, huyện Gia Viễn đã đầu tư xây dựng tour du lịch Tìm về cội nguồn nhằm mục đích giáo dục HSSV và du khách về lịch sử đặc biệt của vùng này, nơi được biết đến là quê hương của Đức thánh Nguyễn Minh Không- Lý Quốc Sư và Vua Đinh Tiên Hoàng. Qua các sự kiện chọn lọc, người dân và du khách không chỉ có cơ hội thưởng thức những hoạt động văn hóa đặc sắc, mà còn được tận hưởng vẻ đẹp của cảnh đẹp thiên nhiên và di tích lịch sử. Điều này góp phần thúc đẩy du lịch và làm cho huyện Gia Viễn trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người muốn khám phá văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Đinh Bộ Lĩnh sinh vào ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thân (tức 22 tháng 3 năm 924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương). Cha của ông mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ngoại (Gia Thủy, Nho Quan) để ở nhưng vẫn nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự ở quê nội gần đó. Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Sau này khi dẹp loạn 12 sứ quân, ông đã tỏ rõ tài năng khi khéo kết hợp dùng võ công và biện pháp chiêu hàng các sứ quân để sớm chấm dứt nổi loạn. Năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi.
Minh Anh