Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đợt mưa lớn ở Bắc Trung bộ và Bắc bộ trong những ngày qua đã làm ít nhất 6 người chết hoặc mất tích.
Tính đến sáng 29/9, mưa lớn hậu hoàn lưu áp thấp nhiệt đới đã làm 2 người chết tại khu vực Bắc Trung bộ. Trong đó, có 1 người ở tỉnh Quảng Trị thiệt mạng do sét đánh và 1 nạn nhân ở tỉnh Thanh Hóa (cháu Lê Nhật M., 14 tuổi, ở xã Lương Nội, huyện Bá Thước) bị trượt chân xuống suối Đòn.
Tại khu vực Tây Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Tính đến sáng 29/9, có 1 người chết do lũ cuốn trôi tại suối Bưng, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình); 3 người mất tích tại tỉnh Sơn La. Mưa lũ đến nay đã làm 24 nhà bị ngập, 60 nhà bị cô lập, 2 nhà bị sập, 75 nhà bị hư hỏng do sạt lở đất cùng 14.782ha lúa, 1.810ha hoa màu bị ngập, hư hại.
Có 2 vị trí sạt lở đê tại Hà Nội, gồm sạt lở 5m đê hữu sông Bùi tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ và sạt trượt mái thượng lưu đê tả Đáy (cấp 1) với chiều dài 10m tại K48+850 đến K48+860, xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa (đoạn đê này nằm trong phạm vi dự án xử lý cấp bách năm 2023 do UBND huyện làm chủ đầu tư). Ở khu vực Tây Bắc bộ, rất nhiều cung đường, vị trí giao thông bị sạt lở, tuy nhiên hiện nay cơ bản đã được khắc phục tạm để thông xe (trong đó có đoạn sạt lở tại Km 79+100 với khoảng 6.000m3 đất tràn xuống QL6).
Trước đó, ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 898/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".
Khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu. Kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ngay sau khi nước rút. Sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Thanh Hằng