Hơn 500 đoàn viên, NLĐ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có dịp đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh và đại diện các Sở, ban, ngành để được giải đáp cụ thể những khó khăn, vướng mắc về việc làm, thu nhập, tiền lương, đời sống.
Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Tú- Chủ tịch Công đoàn bộ phận (Công đoàn Công ty CP Đường bộ 1) đặt ra câu hỏi: “Chế độ nghỉ dưỡng sức sau thai sản cho lao động nữ đã được Luật BHXH quy định tại khoản 2, Điều 41 Luật BHXH 2014 nhưng thực tế, nhiều lao động nữ không biết chế độ này và các doanh nghiệp không muốn giải quyết chế độ này cho lao động nữ vì sợ giảm sản lượng sản xuất, từ đó họ đưa ra các thủ tục và nhiều giấy tờ rất phiền hà, hoặc họ lờ đi”.
Giải đáp về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Chính- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, trách nhiệm của người SDLĐ và công đoàn cơ sở cũng như thủ tục làm hồ sở để hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cho NLĐ. Để việc giải quyết chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho NLĐ được đảm bảo theo đúng quy định, BHXH tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin về các chế độ chính sách BHXH nói chung và chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm, đau thai sản nói riêng để NLĐ, đơn vị SDLĐ và các cấp công đoàn nắm, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho lao động. “Người SDLĐ và công đoàn cơ sở phải có trách nhiệm trong việc xem xét, bố trí cho NLĐ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản mà sức khỏe chưa hồi phục”- ông Chính nói.
Cũng về vấn đề BHXH, ông Lê Quý Hoàng- Chủ tịch Công đoàn Công ty MSV có câu hỏi rằng, hiện nay, tình trạng NLĐ xin rút để hưởng BHXH một lần vẫn có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân NLĐ, gia đình và các chính sách an sinh xã hội. “Rất mong các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho biết thực trạng và những chỉ đạo của tỉnh nhằm giảm thiểu tình trạng NLĐ xin rút BHXH một lần gia tăng như hiện nay”- ông Hoàng đề nghị.
Về vấn đề này, ông Chính cho hay, nguyên nhân NLĐ xin rút để hưởng BHXH một lần đa số là do nhu cầu tài chính sau khi nghỉ việc. NLĐ bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học, trang trải nợ nần... Khi chính sách BHXH một lần còn khá thông thoáng, dễ dàng thì NLĐ xem đây là một công cụ tài chính trước mắt. Bên cạnh đó, để đóng BHXH được đến lúc hưởng lương hưu thì cần phải đóng thêm rất nhiều năm sau đó. Do vậy, NLĐ không muốn và cũng không đủ khả năng về tài chính để tiếp tục tham gia BHXH và chỉ có nhu cầu nhận một lần. “Để giảm thiểu tình trạng NLĐ xin rút BHXH một lần, các cấp và các ngành cần thực hiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ; tăng cường công tác truyền thông để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp NLĐ có được nhận thức một cách đầy đủ về chính sách. Đồng thời, tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm…”- ông Chính cho biết thêm.
Giải đáp vấn đề của ông Ngô Đình Nhật- Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Da Giầy Huế về giải pháp buộc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật ATVSLĐ trước tình trạng mất ATVSLĐ tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đầy đủ, chưa khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, ông Hồ Dần- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ là do người SDLĐ chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ dẫn đến chủ quan, lơ là trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp bản đảm ATVSLĐ, khoán trắng cho cấp dưới, thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, chưa nắm chắc quy trình trong việc thực hiện các quy định về Luật Lao động, công tác ATVSLĐ. Sở LĐ-TB&XH đã và đang thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng hướng dẫn, tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy mất an toàn cao như xây dựng, vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; thanh kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp. “Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về ATVSLĐ; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở tăng cường công tác tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc, xây dựng các phương án, biện pháp khắc phục phù hợp”- ông Dần nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện các sở, ban, ngành đã lắng nghe, giải đáp nhiều nội dung khác trong tổng số 20 câu hỏi, kiến nghị của 10 nhóm vấn đề về việc làm đời sống đoàn viên, NLĐ như việc làm; nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của công nhân lao động; vấn đề rút BHXH một lần và tình trạng “tín dụng đen”… Những vấn đề phát sinh tại địa phương, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp nhưng chưa được xử lý, giải quyết.
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phản ánh, kiến nghị thẳng thắn, sát thực, ông Phan Quý Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của công nhân, viên chức, NLĐ nêu tại buổi đối thoại để chủ động giải quyết, hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ của NLĐ, đảm bảo những kiến nghị nêu trên tại buổi đối thoại phải được giải quyết. Đồng thời, đề nghị LĐLĐ tỉnh Thừa thiên Huế tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kiến nghị các doanh nghiệp, các sở, ban, ngành liên quan giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh các phương án xử lý cụ thể theo quy chế phối hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, an toàn, quan hệ lao động hài hòa, ổn đinh và tiến bộ để cùng phát triển.
Nguyệt Hà