Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, quá trình chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển của ngành Y tế trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, quá trình này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển CNTT chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được triển khai đồng bộ; một số định hướng lớn về ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của ngành Y tế còn chậm triển khai do thiếu hụt nguồn lực…
Vì sao chậm triển khai bệnh án điện tử?
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023 và Kế hoạch hoạt động năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá: Xu hướng số hóa đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường, mang lại những lợi ích không thể phủ nhận trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và là một yêu cầu bắt buộc giúp các quốc gia tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và sự thịnh vượng mỗi quốc gia. Lĩnh vực y tế cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Quá trình chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển của ngành Y tế trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị
Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, thực hiện chủ trương Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ cũng như Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030, Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, định hướng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế, như ban hành chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành năm 2020); Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành năm 2023).
Thời gian qua, bệnh án điện tử là một trong những nội dung cốt lõi, mắt xích quan trọng của chuyển đổ số ngành y tế. Thế nhưng, việc triển khai bệnh án điện tử đến nay còn chậm. Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có hơn 70 đơn vị trên tổng số khoảng 1.800 BV công lập và tư nhân công bố dùng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, bệnh án điện tử là mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi số, từ đó giúp BV quản lý minh bạch, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng KCB. Để triển khai được bệnh án điện tử cần tiến hành 3 lộ trình cơ bản, gồm: Số hoá, quản lý dữ liệu và tích hợp liên thông. Đa phần các đơn vị triển khai được lộ trình số hoá và tạo lập quản lý dữ liệu. Thế nhưng, phần liên thông đòi hỏi nhiều yếu tố về hạ tầng, chữ ký số, phần mềm bổ trợ và nhiều vấn đề khác với nguồn kinh phí đầu tư lớn. Trung bình, để triển khai bệnh án điện tử, cần đầu tư số tiền hơn 10 tỷ/BV. Với những BV quy mô lớn như: BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt-Đức…, số tiền đầu tư còn lớn hơn rất nhiều. Đây chính là trở ngại khiến cho việc triển khai bệnh án điện tử ở các đơn vị còn chậm.
Thúc đẩy chuyển đổi số y tế
Thời gian qua, bên cạnh sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, Bộ Y tế đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm phát triển các nền tảng số y tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số trong ngành Y tế. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc thực hiện chuyển đổi số ngành Y tế còn có một số tồn tại, khó khăn mà Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 3/2/2023 của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã chỉ ra.
Theo đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển CNTT còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý. Hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu y tế, các nền tảng y tế số còn rời rạc, chưa liên thông với nhau. An toàn thông tin, an ninh mạng chưa được triển khai đồng bộ, nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa đảm bảo về an toàn, an ninh thông tin. Cùng với đó, một số định hướng lớn về ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của ngành Y tế còn chậm triển khai do thiếu hụt nguồn lực (cả về kinh phí, con người).
Toàn cảnh Hội nghị
Dự kiến, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình công tác năm 2024 đối với Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030 gắn chặt chẽ với triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Theo đó, trọng tâm vào các lĩnh vực bao gồm: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế; nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Rà soát, sửa đổi, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, thúc đẩy chuyển đổi số y tế.
Cùng với đó, thúc đẩy xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu y tế. Hình thành hạ tầng dữ liệu, xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ khai phá dữ liệu y tế tiến tới hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế nhằm thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030. Triển khai các hệ thống thông tin nền tảng. Bao gồm: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế, Hệ thống thông tin thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia Bộ Y tế; xây dựng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (thực hiện Điều 112 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023); xây dựng các nền tảng số y tế (nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng y tế từ xa, nền tảng tiêm chủng, nền tảng trạm y tế xã) nhằm thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành Y tế. Tổ chức quản lý vận hành, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị toàn ngành cần quán triệt công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm nhằm chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, mục đích, ý nghĩa, lợi ích của công tác chuyển đổi số y tế đối với công tác quản lý, điều hành, thực hiện chuyên môn nghiệp vụ,.. giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, đưa kết quả thực hiện chuyển đổi số trở thành một chỉ tiêu để đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm.
Cùng với đó, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo phải xác định rõ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT y tế, là đầu mối hỗ trợ tối đa và phối hợp Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, các Vụ, Cục, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quan trọng đối với hoạt động chuyển đổi số của ngành Y tế, đặc biệt là Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế, Quy chế phối hợp chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa Bộ Y tế, Bộ Công an và BHXH Việt Nam thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền về công nghệ thông thông tin cho các đơn vị chủ động triển khai thực hiện. Thông tư sửa đổi, thay thế Thông tư số 54/2017/TT-BYT ban hành tiêu chí về ứng dụng CNTT tại các cơ sở KCB và Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Bên cạnh đó phải khẩn trương tổ chức thẩm định, trình phê duyệt các nhiệm vụ, dự án CNTT đang còn tồn đọng để các đơn vị thực hiện;
Hà Hùng