Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cho trẻ em dưới 1 tuổi, tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi- rubella mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi và tiêm đầy đủ uốn ván cho phụ nữ có thai đạt từ 95% trở lên.
Tăng cường công tác giám sát
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 1313/SYT-NVY về tăng cường công tác giám sát bệnh sởi trên địa bàn thành phố. Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch các trường hợp nghi sởi/rubella trên địa bàn thành phố kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định trường hợp mắc bệnh. Đồng thời, hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã về giám sát và triển khai xử lý ổ dịch triệt để không để dịch lan rộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát đối tượng tiêm vắc-xin sởi để không bỏ sót đối tượng; có kế hoạch bố trí đủ vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, việc tiêm vắc-xin là để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9- 12 tháng tuổi và vắc-xin sởi cho trẻ 18-24 tháng tuổi. Thường xuyên kiểm tra công tác tiêm chủng cũng như phòng chống dịch của các quận, huyện, thị xã.
Tăng cường phối hợp với báo, đài đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch sởi như: đi tiêm chủng đủ liều vắc-xin phòng sởi; khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella; tăng cường vệ sinh cá nhân; nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh; khi phát hiện người bệnh cần phải đi khám, cách ly và điều trị kịp thời.
Các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; lấy mẫu trường hợp nghi ngờ sởi/rubella gửi CDC Hà Nội để xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan. Tổ chức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh sởi.
Phối hợp phòng Y tế rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc-xin sởi- rubella cho trẻ 18 tháng tuổi.
Các Trung tâm Y tế hướng dẫn và yêu cầu tất cả các phòng tiêm chủng trên địa bàn phải nhập phiếu điều tra vào phần mềm giám sát sởi/rubella, việc tiêm vắc-xin là để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9- 12 tháng tuổi và vắc-xin sởi cho trẻ 18-24 tháng tuổi. Các cơ sở KCB trong và ngoài công lập tổ chức phân luồng bệnh nhân nghi mắc bệnh sởi ngay từ khu vực phòng khám; bố trí khu vực khám riêng, buồng bệnh cách ly để cấp cứu, điều trị bệnh sởi nhằm tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân về các biện pháp chăm sóc điều trị người bệnh, hạn chế tối đa tiếp xúc, khi chăm sóc tiếp xúc với người bệnh cần phải có khẩu trang y tế để tránh phát tán mầm bệnh. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị bệnh sởi. Phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng.
Duy trì tiêm chủng vắc-xin đạt tỷ lệ cao
Theo Kế hoạch số 1250/KH-SYT về triển khai công tác tiêm chủng mở rộng của thành phố năm 2024 được Sở Y tế Hà Nội ban hành mới đây; Hà Nội phấn đấu mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cho trẻ em dưới 1 tuổi, tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi- rubella mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi và tiêm đầy đủ uốn ván cho phụ nữ có thai đạt từ 95% trở lên; tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Bại liệt tiêm (IPV) cho trẻ dưới 1 tuổi, vắc-xin phòng bệnh Viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi và tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B trong 24 giờ đầu cho trẻ sơ sinh đạt từ 90% trở lên.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh Bạch hầu- ho gà- uốn ván mũi 4 (DPT4) cho trẻ từ 18 tháng đạt từ 80%; tỷ lệ tiêm bổ sung, tiêm chống dịch các loại vắc-xin đảm bảo chỉ tiêu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; khống chế tỷ lệ mắc sởi dưới 5 trường hợp/100.000 dân, bạch hầu dưới 0,02 trường hợp/100.000 dân, ho gà dưới 1 trường hợp/100.000 dân, viêm não Nhật Bản dưới 0,2 trường hợp/100.000 dân.
Các đơn vị bố trí hợp lý cán bộ đủ điều kiện thực hiện hoạt động tiêm chủng tại các tuyến; đặc biệt các vị trí: bảo quản vắc-xin, dây chuyền lạnh; tư vấn, chỉ định tiêm chủng; thực hành tiêm chủng; theo dõi giám sát các phản ứng sau tiêm; kiểm tra giám sát các hoạt động tiêm chủng; giám sát các bệnh trong tiêm chủng, thống kê báo cáo tiêm chủng...
Tổ chức các buổi tiêm chủng thường xuyên ít nhất 1 lần/tháng vào thứ 4 tuần đầu tiên của tháng, triển khai tiêm bù cho đối tượng tạm miễn hoãn vào thứ 4 tuần thứ 3 của tháng. Đảm bảo tiêm chủng an toàn, chất lượng, tổ chức ghép các điểm tiêm, ghép đối tượng tiêm chủng trên địa bàn phù hợp để thực hiện đúng quy định về hệ số sử dụng vắc-xin, tránh lãng phí.
Củng cố hệ thống giám sát bệnh trong tiêm chủng lồng ghép trong hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm; tiến hành điều tra, khoanh vùng, xử lý kịp thời khu vực có bệnh nhân không để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ thường xuyên các hoạt động: tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên; quản lý dây chuyền lạnh và bảo quản vắc-xin; quản lý đối tượng; thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia; thống kê báo cáo kết quả tiêm chủng hàng tháng; giám sát phản ứng sau tiêm chủng; giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng… tại các tuyến.
Các đơn vị cung cấp thông tin chính thống cho người dân về lợi ích của tiêm chủng thường xuyên, định kỳ và chiến dịch, nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; trách nhiệm của cha mẹ trong việc đăng ký và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch theo quy định; hình thức dịch vụ tiêm chủng; các phản ứng sau tiêm chủng, cách theo dõi và xử trí. Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo kiểm tra, rà soát lịch sử tiêm chủng của các học sinh tại tất cả các bậc học, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Ngoài ra, 100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội phải thực hiện quản lý đối tượng trong diện hoạt động tiêm chủng mở rộng, lịch sử tiêm của đối tượng tiêm chủng mở rộng; quản lý vật tư, vắc-xin và thống kê báo cáo tháng, quý, năm trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Hà Hùng