Sáng 1/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê ra quân thực hiện Điều tra Dân số và Nhà giữa kỳ năm 2024 (Điều tra Dân số 2024). Theo kế hoạch, thời gian thu thập thông tin trong Điều tra đợt này bắt đầu từ ngày 1/4 đến 30/4/2024, tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (trừ 4 huyện đảo: Bạch Long Vĩ- TP.Hải Phòng; Cồn Cỏ- tỉnh Quảng Trị; Hoàng Sa- TP.Đà Nẵng; Trường Sa- tỉnh Khánh Hòa).
Bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Điều tra Dân số 2024 nhằm mục đích thu thập thông tin về dân số và nhà ở, làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2026-2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; phục vụ công tác thống kê về dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Đối tượng điều tra của Điều tra Dân số 2024 bao gồm: Hộ dân cư (bao gồm cả thông tin về nhà ở của hộ); nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang, người có quốc tịch nước ngoài hiện đang ăn, ở tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của Quân đội và Công an.
Theo phương án của Điều tra Dân số 2024, đối tượng điều tra cũng bao gồm người có quốc tịch nước ngoài hiện đang ăn, ở tại hộ (nếu bảo đảm điều kiện là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư). Mục đích thu thập thông tin nhằm phản ánh đầy đủ số lượng nhân khẩu hiện đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, phục vụ việc xây dựng và hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thông tin về người có quốc tịch nước ngoài đang thường trú ở Việt Nam hiện còn khoảng trống về số liệu, nên Điều tra lần này kỳ vọng sẽ thu thập đủ thông tin, tạo tiền đề cho kỳ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở kế tiếp.
Điều tra Dân số 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào Phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động (CAPI). Kết quả điều tra toàn bộ sẽ được công bố vào tháng 11-12/2024. Các báo cáo phân tích chuyên đề sẽ được công bố vào năm 2025.
“Với yêu cầu đặc biệt quan trọng về nâng cao chất lượng thông tin điều tra, việc ứng dụng triệt để CNTT trong điều tra đã được nghiên cứu và áp dụng, sẽ giúp điều tra viên thống kê, thu thập thông tin được thuận lợi và kiểm tra số liệu ngay trong quá trình thu thập thông tin. Tuy vậy, công nghệ và máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ, để đảm bảo chất lượng điều tra, yếu tố quan trọng nhất vẫn là kiến thức, kỹ năng và sự tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tra của điều tra viên thống kê”- bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Matt Jackson- Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá: “Đây là một dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực thống kê, vì kết quả của cuộc điều tra này sẽ là nền tảng để đưa ra các quyết định chính sách quan trọng, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam”. Chuyên gia này cũng cho biết, những quốc gia có dữ liệu chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và giải quyết được các nhu cầu của người dân, bởi “dữ liệu tốt hơn- thì cuộc sống tốt hơn”.
Theo ông Matt Jackson, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển CSDL quốc gia. Chúng ta đã có CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; hoặc hệ thống đăng ký, thống kê hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý. Tuy nhiên, những CSDL đó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, do vậy chúng ta vẫn cần tiếp tục cải thiện hạ tầng CSDL. Đó là lý do tại sao cuộc điều tra giữa kỳ này là cần thiết để thu thập bằng chứng thông tin quan trọng về tiến độ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Việt Nam đang trải qua những thay đổi đáng kể về nhân khẩu học với tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Cuộc điều tra lần này sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng chưa có trong CSDL dân số hiện tại hoặc các nguồn dữ liệu hành chính khác, như lịch sử sinh sản của phụ nữ, tử vong, di cư, mất cân bằng giới tính khi sinh, khuyết tật, hôn nhân/tảo hôn, trình độ học vấn, lực lượng lao động và nhà ở. Dữ liệu từ cuộc điều tra sẽ được sử dụng để cập nhật các chỉ số phát triển bền vững của quốc gia và để so sánh với kết quả của các cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở trước đây, cũng như để xác minh lại một số chỉ số dự báo dân số quốc gia đến năm 2069.
Đại diện UNFPA cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam và Tổng cục Thống kê, nhằm tạo ra và tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu có chất lượng, hướng tới thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Thái An