Trái ngược với xu hướng tăng trưởng thấp của năm trước, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5%- 6,0%.
Đến thời điểm tháng 3/2024, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024. Cụ thể, LHQ (UN) nhận định trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài, tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ chậm lại từ mức 2,7% năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024; Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,4%, giảm so với mức 2,6% trong năm 2023; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định GDP toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 2,9%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% của năm 2023; Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng toàn cầu (không bao gồm EU) năm 2024 đạt 3,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023. Riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 bằng với năm 2023, ở mức 3,1%.
Trong khu vực ASEAN, theo Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), khu vực ASEAN+3 (ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2024 do thương mại quốc tế cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước. Theo đó, AMRO dự báo tăng trưởng năm 2024 của một số quốc gia Đông Nam Á như sau: Philippines 6,3%, Indonesia 5,2%, Malaysia 5,0%, Thái Lan 3,3% và Singapore 2,6%.
Đối với Việt Nam, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5%- 6,0%. Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,5% trong năm 2024, cao hơn mức dự báo 4,7% của năm 2023; UN và AMRO đều nhận định tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 6,0%, cao hơn mức dự báo 4,7% và 5,1% của năm 2023.
Phân tích về triển vọng kinh tế khu vực Đông Á và Việt Nam, báo cáo của LHQ nhận định: tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định tại hầu hết các nền kinh tế trong khu vực nhờ áp lực lạm phát giảm dần và thị trường lao động ổn định. Việc mở cửa trở lại và lượng khách quốc tế phục hồi giúp tăng cường doanh thu từ du lịch của nhiều nền kinh tế trong khu vực Đông Á, góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ. Ngoài ra, một số nền kinh tế đang nỗ lực thực hiện các chính sách đổi mới sáng tạo mang tính chiến lược, thúc đẩy đa dạng hóa xuất khẩu và tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, UN dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 6,0%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với mức 4,7% của năm 2023.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 01/2024, WB nhận định sản xuất công nghiệp tiếp tục cải thiện hơn nhưng triển vọng vẫn khá ảm đạm. Tiếp nối đà hoạt động kinh tế tích cực kể từ Quý IV/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,08% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi do nhu cầu bên ngoài được cải thiện, tăng 11,1% so với tháng trước và 42,0% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ổn định khi cam kết FDI đạt gần 2,4 tỷ USD trong tháng 01/2024. Giải ngân vốn FDI đạt 1,5 tỷ USD trong tháng 01/2024, cao hơn 9,6% so với một năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng có thể chưa đạt kỳ vọng do niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Sự gia tăng của chi phí logistics quốc tế đối với thương mại hàng hóa do xung đột Trung Đông, mặc dù mang tính thời điểm tạm thời, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam và sự phục hồi của nền kinh tế. Chênh lệch giữa lãi suất toàn cầu và trong nước có thể gây áp lực lên thị trường ngoại hối. WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2024, cao hơn mức 4,7% của năm 2023.
Dự báo của AMRO ở khu vực ASEAN+3 cho rằng: ở các nước này, nhu cầu trong nước mạnh mẽ tiếp tục củng cố tăng trưởng; tiêu dùng tư nhân vẫn ổn định nhờ điều kiện thị trường lao động thuận lợi trong bối cảnh lạm phát thấp hơn. Doanh số bán lẻ và chi tiêu cho dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, được hưởng lợi từ sự phục hồi liên tục trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Xuất khẩu hàng hóa của ASEAN+3 dần cải thiện. Nhu cầu hàng hóa từ Hoa Kỳ dần trở lại bình thường cũng có thể tác động tích cực đến xuất khẩu trong khu vực. Du lịch tiếp tục giúp xuất khẩu dịch vụ ASEAN+3 tăng, phản ánh sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Lạm phát có xu hướng giảm cùng với giá hàng hóa toàn cầu, đồng thời giá lương thực cũng giảm do sản lượng tăng trong khu vực. Theo đó, AMRO dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,0% trong năm 2024, cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với mức 5,1% trong năm 2023…
Thái An