Ngày 1/3/2024, Thanh tra BHXH Việt Nam đã chính thức ra mắt, đánh dấu sự khởi đầu cho chặng đường phát triển mới của đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra ngành BHXH Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Bùi Quang Huy- Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam cho biết:
- Thanh tra, kiểm tra là một công cụ đặc biệt của ngành BHXH Việt Nam, góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ SDLĐ, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
2023 là năm có sự đổi mới trong cơ chế chính sách quy định về hoạt động thanh tra, trong đó Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Với chức năng được giao là Thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cùng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, đồng lòng của những người làm công tác thanh tra, kiểm tra, toàn Ngành đã đạt được một số kết quả nhất định.
Toàn Ngành đã thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại 22.584 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi vi phạm như: phát hiện hơn 16.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 103,1 tỷ đồng; phát hiện gần 39.000 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng 89,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thu hồi 2.023,6 tỷ đồng chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đạt 87,16% số tiền các đơn vị chậm đóng trước thời điểm ban hành Quyết định thanh tra. Yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH 13,9 tỷ đồng; về quỹ BH thất nghiệp 67,3 triệu đồng; về quỹ BHYT 109,9 tỷ đồng do giải quyết, chi trả, hưởng không đúng quy định. Ra quyết định xử phạt hoặc kiến nghị người có thẩm quyền ra 1.797 Quyết định xử phạt VPHC về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền xử phạt 63,9 tỷ đồng.
Ông Bùi Quang Huy- Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam
* PV: Được biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo phương pháp truyền thống kết hợp với “xử lý dữ liệu điện tử”. Điều đó đã mang lại những hiệu quả như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay Ngành đang quản lý hệ thống dữ liệu tập trung tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh. Với thuận lợi đó, việc “xử lý dữ liệu điện tử” trong hoạt động thanh tra, kiểm tra mang lại hiệu quả cụ thể. Điển hình như việc tổ chức rà soát, phân tích dữ liệu ở giai đoạn trước khi làm việc trực tiếp với đối tượng đã giúp đoàn thanh tra, kiểm tra đánh giá, khoanh vùng, lựa chọn mẫu cần kiểm tra thực tế; nâng cao khả năng phát hiện, nhận diện dấu hiệu sai sót, vi phạm một cách toàn diện giúp nâng cao chất lượng và kết quả thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Thừa Thiên Huế
Với khả năng rà soát, phân tích dữ liệu lớn, việc ứng dụng CNTT đã giúp rà soát được 100% hồ sơ nghiệp vụ kể cả với các DN có hàng nghìn lao động hoặc cơ sở y tế có hàng triệu lượt KCB BHYT. Đây là bước tiến lớn so với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống là chỉ kiểm tra xác suất được một số hồ sơ nhất định do bị giới hạn về thời gian và nhân lực.
Có thể khẳng định, việc “xử lý dữ liệu điện tử” đã giúp phát hiện nhiều sai sót, vi phạm mà trước đây rất khó phát hiện hoặc không thể phát hiện bằng phương pháp truyền thống như dùng thẻ BHYT cùng lúc khám bệnh ngoại trú ở nhiều cơ sở y tế; sử dụng 1 thẻ BHYT thanh toán chi phí KCB với tần suất lớn. Đồng thời, qua phân tích dữ liệu cũng có thể phát hiện kẽ hở để hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý của cơ quan BHXH.
* Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trong đó có quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra BHXH Việt Nam. Ông có thể cho biết rõ hơn về các quy định này?
- Căn cứ vào Luật Thanh tra năm 2022, ngày 11/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó quy định việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam và vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra BHXH Việt Nam.
Theo đó, Thanh tra BHXH Việt Nam là cơ quan của BHXH Việt Nam, có chức năng tham mưu, giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quản lý công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và luật chuyên ngành khác; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, chi trả BH thất nghiệp, chế độ BHYT theo quy định của pháp luật.
Ngày 23/2/2024, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 216/QĐ-BHXH quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra BHXH Việt Nam. Ngày 1/3/2024, Thanh tra BHXH Việt Nam chính thức ra mắt với lực lượng tiền thân từ Vụ Thanh tra-Kiểm tra của BHXH Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành BHXH Việt Nam và đối với đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam.
* Theo ông, việc thành lập Thanh tra BHXH Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam?
- Việc thành lập Thanh tra BHXH Việt Nam ngoài việc khẳng định vị thế của ngành BHXH Việt Nam còn có tác động không nhỏ đến công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành. Chiếu theo quy định, Thanh tra BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (trước đây là cơ quan được giao) chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Vì vậy, sẽ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của hệ thống các cơ quan thanh tra.
Bên cạnh đó cũng giúp tăng cường tính độc lập, khách quan trong hoạt động thanh tra, nhất là yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm thống nhất về tiêu chuẩn cũng như sự ổn định của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan thanh tra. Đặc biệt, Chánh Thanh tra là người tổ chức, chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động thanh tra, vì vậy sẽ chủ động trong quá trình triển khai các hình thức thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ….
* Trong thời gian tới, hoạt động trọng tâm của Thanh tra BHXH Việt Nam là gì, thưa ông?
- Việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội, Chính phủ đối với vai trò, vị thế và sự đóng góp của ngành BHXH Việt Nam cho sự nghiệp an sinh xã hội trong suốt 29 năm qua. Tới đây, Thanh tra BHXH Việt Nam sẽ sắp xếp, ổn định cơ cấu tổ chức của đơn vị và các phòng chức năng; chủ động phân công, giao nhiệm vụ cụ thể để triển khai các hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị và thực hiện xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” đối với từng CCVC, NLĐ. Tăng cường sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, các đơn vị có liên quan để tổ chức trao đổi, tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là tập huấn kỹ năng cho người làm công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nghiệp vụ tại các địa phương.
Chúng tôi cũng sẽ đổi mới để sẵn sàng thực hiện đồng thời các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là sẽ đẩy mạnh thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các đơn vị chậm đóng thời gian dài, số tiền lớn làm ảnh hưởng đến NLĐ. Kiên quyết xử phạt VPHC hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành Quyết định xử phạt VPHC, sẽ ra quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức cưỡng chế thi hành theo thẩm quyền; Lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hằng (Thực hiện)