Ngày 27/3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ.
Phát biểu khai mạc, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật BHXH có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của NLĐ. Quá trình tham gia xây dựng Dự thảo Luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì tổ chức và tham gia các hội thảo, nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu. Tuy nhiên, quá trình tham gia, nghiên cứu, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận thấy một số quy định trong Dự thảo Luật BHXH cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình. Vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn các ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền của lao động nữ như quy định về chính sách thai sản, chính sách BHXH một lần, chế độ hưu trí… phân tích những quy định phù hợp, quy định cần thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung.
Tại Hội thảo, đại biểu tập trung thảo luận trực tiếp vào những vấn đề liên quan đến quyền của lao động nữ được quy định trong Dự thảo Luật cần được điều chỉnh như chế độ chăm sóc con ốm, thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ; chế độ thai sản (nghiên cứu quy định tăng số lần khám thai cho lao động nữ; tăng thời gian nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con; tăng thời gian nghỉ thai sản cho người mẹ mang thai hộ; bảo đảm quyền lợi nghỉ thai sản cho người nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi khi không nghỉ việc…); chế độ thai sản dành cho đối tượng BHXH tự nguyện; chế độ hưởng BHXH một lần…
Đồng thời, các chuyên gia, đại diện công đoàn cơ sở, đại diện NLĐ đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ. Theo đó, các đại biểu kiến nghị cần bảo đảm vấn đề bình đẳng giới, tăng mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện; thực trạng việc rút BHXH một lần, khoảng cách giới trong thụ hưởng chế độ BHXH, cần có những chính sách khác biệt để tạo điều kiện hỗ trợ nữ giới, nhằm rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng BHXH giữa phụ nữ và nam giới; sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ con ốm đau; tăng số lần nghỉ khám thai; bổ sung thời gian nghỉ, mức trợ cấp khi lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở KCB có thẩm quyền…
Làm rõ những ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật BHXH, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường ghi nhận những kiến nghị, đóng góp thiết thực của các đại biểu. Đồng thời, làm rõ những thắc mắc của một số đại biểu về các vấn đề như: Thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản; hình thức nghỉ dưỡng thai; mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện; tình trạng chậm, nợ đóng BHXH…
Góp ý vào Dự thảo, cụ thể là mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện, ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Khoản 1 Điều 93 Dự thảo Luật quy định: “Mức hưởng 2.000.000 đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu” là mức trợ cấp quá thấp”. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mức hỗ trợ này, bởi theo Tờ trình số 527 của Chính phủ về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), mức 2.000.000 đồng là theo Nghị định 39/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS sinh con đúng chính sách dân số. Nhưng nay Nghị định này đã được thay thế tại Điều 36 Thông tư 55 của Bộ Tài chính ngày 15/8/2023 áp dụng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy, quy định 2.000.000 đồng cho mức hỗ trợ này không còn phù hợp. Ngoài ra, chế độ thai sản ngoài hỗ trợ về tiền mặt, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ.
Bà Ngô Thị Liên- Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN, KCX Hà Nội cho biết, qua tìm hiểu của Công đoàn các KCN, KCX Hà Nội, lý do một số công nhân rút BHXH một lần là do họ nghe thông tin về những thay đổi; một số NLĐ khác cho rằng tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài, họ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi này. Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được DN giao rất hạn chế. Từ đó, đa phần họ đã rời thị trường lao động công nghiệp, không tham gia tiếp tục BHXH được nữa nên mới tính chuyện hưởng BHXH một lần, bà Liên thông tin.
Ngoài ra, một số NLĐ tham gia BHXH chưa đủ số năm để hưởng lương hưu, xác định không tiếp tục đi làm đóng BHXH nữa, họ chủ động rút BHXH một lần để đầu tư hoặc trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế... Như vậy, việc rút BHXH một lần đồng nghĩa với việc đối mặt với tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và thị trường lao động. Ngoài ra, một số lao động nữ khi rút BHXH một lần dễ nảy sinh tâm lý ở nhà nội trợ, sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình. Bản thân người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều căng thẳng khi không đi làm nữa, gây tác động tiêu cực đến xã hội. Vì vậy, Luật BHXH (sửa đổi) cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của NLĐ để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần...
Nguyệt Hà