Trần Thắng Ký là một tiệm café tọa lạc trong khuôn viên một viện dưỡng lão ở Hong Kong, nhân viên của tiệm đều là người cao tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Hương thơm hấp dẫn của trà sữa và bánh dứa kiểu Hong Kong lan tỏa trong không gian. Nhân viên cao tuổi trong trang phục trắng tinh phục vụ tận tình và chu đáo. Đó là khung cảnh của Trần Thắng Ký, tiệm café tọa lạc trong khuôn viên một viện dưỡng lão. Nếu như không được giới thiệu, thực khách khó có thể tin, mình đang ngồi trong một tiệm café có nhân viên là người cao tuổi mắc bệnh sa sút trí nhớ.
Năm 2017, ở Hong Kong, có 100.000 người cao tuổi (trên 60 tuổi) mắc bệnh sa sút trí nhớ. Ước tính năm 2039, con số này có thể vượt qua 300.000 người, nhất là trong bối cảnh dân số Hong Kong đang già đi nhanh chóng. Một nghiên cứu của Đại học Hong Kong vào năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc sa sút trí nhớ là 5% đối với người từ 60 tuổi trở lên và lên tới 47,5% đối với người từ 85 tuổi trở lên.
Trở lại Trần Thắng Ký, mặc dù được nhiều người biết đến nhưng tiệm café này chỉ có 3 bàn, chủ yếu phục vụ khách quen- đa phần là cư dân của viện dưỡng lão. Hằng ngày, 8 nhân viên của tiệm làm việc rất chăm chỉ, phân công công việc rất rõ ràng: 2 người nhận đơn hàng; 5 người còn lại bận rộn làm bánh mì sandwich, nướng bánh dứa, hâm nóng cà-ri cá viên và pha chế đồ uống từ 2 ki-ốt với sự giúp đỡ của tình nguyện viên hoặc nhân viên viện dưỡng lão. Sau khi ăn uống xong, khách hàng sẽ trả tiền cho 1 người trực tại quầy thu ngân bằng tiền xu.
Chuyên gia trị liệu tâm lý Yancy Chu- đại diện Dự án cho biết, lấy cảm hứng từ các cửa tiệm café Nhật Bản do người cao tuổi mắc bệnh sa sút trí nhớ điều hành, cô và ê kíp đã nghiên cứu và thí điểm dự án tương tự ở Hong Kong vào tháng 12 năm ngoái: “So với hoạt động đào tạo nhận thức thông thường của chúng tôi, hoạt động này hấp dẫn hơn rất nhiều, đối với người bệnh và thân nhân hay nhân viên chăm sóc họ. Đây là hoạt động nhóm, cho phép người bệnh tương tác và giao tiếp với nhau. Hơn nữa, mô hình tiệm café truyền thống phong cách Hong Kong có thể dễ dàng chạm vào trái tim người bệnh, đồng thời gợi lại những kỷ niệm xưa cũ vì trong quá khứ họ đã từng ghé qua nhiều lần”.
Để tiến hành dự án thí điểm, nhóm nghiên cứu chọn ra người bệnh có kinh nghiệm chế biến thực phẩm, ví dụ phụ nữ nội trợ hoặc người làm việc trong lĩnh vực ẩm thực, rồi tiến hành đào tạo và thí điểm theo quy mô nhỏ đến lớn. Nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, dụng cụ nhà bếp được lựa kỹ càng và mỗi nhân viên được ghép đôi với một một tình nguyện viên hoặc một nhân viên viện dưỡng lão để giúp đỡ họ. Khởi đầu, theo nhóm nghiên cứu, rất khó khăn do mấy năm qua ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều người cao tuổi có dấu hiệu tách biệt khỏi xã hội nên phải mất một thời gian dài mới khuyến khích được họ tham gia dự án.
“Kết quả ban đầu cho thấy, về trí nhớ ngắn hạn, sự tập trung và khả năng giao tiếp của người bệnh được cải thiện đáng kể so với ban đầu” – Chuyên gia trị liệu tâm lý Yancy Chu cung cấp thông tin – “Bệnh sa sút trí tuệ làm suy giảm khả năng trao đổi của một người, ảnh hưởng đến từ vựng, phản ứng và tốc độ nói chuyện. Vì vậy, khi tham gia phục vụ tiệm café, người bệnh sẽ có cơ hội vận dụng trí não, hồi phục trí nhớ và trao đổi nhiều hơn với những người xung quanh. Hiện chúng tôi mới thí điểm 1 hoặc 2 lần mở cửa một tháng với thực đơn khác nhau. Mỗi lần mở cửa kéo dài khoảng 2 giờ. Và đang nghiên cứu khả năng biến dự án này thành một hoạt động kinh doanh thực sự về lâu dài, bằng cách mở tiệm ở khu dân cư”.
Ông Lương Cẩm Chiêu, 79 tuổi, dành cả buổi chiều để nhận đơn đặt hàng ở Trần Thắng Ký. Vị y tá nghỉ hưu đã lâu cho biết, ông cảm thấy hài lòng khi được phục vụ mọi người một lần nữa: “Việc này thật dễ dàng đối với tôi. Tôi có thể thực hiện một số việc khó hơn vào lần tới”.
Bà Huỳnh Thụy Ảnh, 93 tuổi, một trong những nhân viên lớn tuổi nhất ở Trần Thắng Ký, phụ trách làm nướng bánh mì. Trước đây, bà là chủ một tiệm ăn đường phố, nên bên cạnh việc bếp núc, còn phụ giúp nhóm nghiên cứu thiết kế thực đơn và thiết lập quy trình làm việc. Bà Mandy Lưu, 72 tuổi, con gái bà Huỳnh Thụy Ảnh, cho biết: “Mẹ tôi mấy năm nay có tâm trạng không tốt. Vì tuổi cao và có bệnh nên sau khi xuất viện, bà phải sử dụng khung tập đi. Thế nhưng bây giờ bà rất vui khi được làm đồ ăn trở lại, dù tốc độ rất chậm. Bà thậm chí còn chỉ cho con cháu cách cắt bơ và làm món cá ngừ thật ngon”.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)