Chiều 15/3, tại TP.HCM, đã diễn ra Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024. Diễn đàn gồm 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc, bế mạc và 10 phiên thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số- vốn được rất nhiều cơ quan báo chí quan tâm.
Tới dự Lễ khai mạc Diễn đàn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Cùng dự còn có các lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện các cơ quan báo chí, quản lý báo chí và các cơ quan, ban ngành, DN...
TP.HCM mong muốn nhận được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ báo chí
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, hiện tại đang là thời điểm vô cùng khó khăn của báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam, do sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng, lại thêm cả sự phát triển tràn lan của thông tin giả, thông tin sai lệch khiến cho niềm tin của xã hội đối với báo chí bị giảm sút, trong khi nguồn thu quảng cáo càng ngày càng sụt giảm với mọi loại hình báo chí, kể cả báo chí điện tử.
Ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu khai mạc Diễn đàn
Báo chí mang lại thông tin hữu ích cho xã hội, nhưng vai trò quan trọng và sức mạnh hàng trăm năm qua đang bị đe dọa bởi những biến chuyển liên tục, đặc biệt trong khoảng một thập niên trở lại đây. Thực tế cấp bách đó cũng chính là lý do Hội Nhà báo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc- trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024. Diễn đàn lần này diễn ra trong 2 ngày với 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể (khai mạc, bế mạc) và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng, đây sẽ là Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí đang được giới báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm; đồng thời Diễn đàn cũng sẽ là điểm hẹn tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, những người làm báo cũng như các chuyên gia truyền thông, công nghệ.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, TP.HCM luôn xem báo chí cách mạng là lực lượng cơ hữu đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố trong suốt thời gian qua. Ông Mãi mong muốn đội ngũ những người làm báo tiếp tục đồng hành, góp ý cho thành phố những cách làm mới, sáng tạo; cũng như có những phân tích, gợi ý thêm để làm sao khơi lên được các động lực bên trong giúp cho sự phát triển của thành phố.
Theo ông Mãi, năm 2024, TP.HCM vẫn phải đối mặt với những thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen. Mặc dù hết sức nỗ lực và đạt được kết quả rất đáng ghi nhận trong hai tháng đầu năm, nhưng thành phố vẫn còn đối mặt không ít thách thức. Năm nay, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% là thể hiện quyết tâm chính trị và khát vọng rất lớn. Nhiệm vụ trước mắt của thành phố phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính đi đôi với phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị định 73 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Năm 2025 là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm, chào mừng, từ sáng tác văn học nghệ thuật đến phát động phong trào thi đua đặc biệt, triển khai các công trình, dự án… Do đó, TP,HCM mong muốn báo chí chung tay trong những hoạt động kỷ niệm này, không chỉ ở góc độ tuyên truyền, lan tỏa thông tin, mà có thể tham gia trực tiếp, sâu hơn vào các hoạt động thiết thực chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.
Thách thức từ kỷ nguyên số, báo in vẫn phải được nâng niu
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ, nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông; qua đó đã tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Không gian mạng bây giờ là trận địa chính của báo chí; nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn
“Công nghệ số lấy đi một số việc cũ, nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vì vậy, báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là “ai, cái gì, khi nào và ở đâu”, tức là rộng hơn việc đưa tin. Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới không phải là một việc quá khó. Đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường xuất hiện từ một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác. Ở thời đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp mới, thì cách làm mới thường là làm ngược lại. Hãy sử dụng công nghệ số để làm ngược lại. Thay vì viết, thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho AI xử lý rất nhiều thông tin. Thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn phát triển thì cần có không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đối mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí. Công nghệ số, nhất là AI (trí tuệ nhân tạo) mạnh hơn năng lượng hạt nhân, thì những vấn đề, những thách thức, những rủi ro mà nó mang đến cho chúng ta cũng sẽ lớn hơn hạt nhân.
"Đó là quy luật. Không có bữa trưa nào miễn phí cả. Nhưng rồi con người luôn học được cách để sử dụng công nghệ mới một cách khôn ngoan, giảm thiểu các rủi ro và gia tăng giá trị. Ba cuộc cách mạng công nghệ trước đây đã là như vậy. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư này, mà trung tâm của nó là công nghệ số, và trung tâm của công nghệ số là AI, chắc cũng sẽ như vậy. Giải quyết những vấn đề của công nghệ mới, thì phải bằng thể chế mới và bằng chính công nghệ mới đó. Và chúng ta hy vọng cái giá phải trả sẽ ít hơn"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới. Không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
"Muốn đi xa thì phải về gần. Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng. Giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến này chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số…”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm.
Ông Lê Quốc Minh- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu tại Diễn đàn
Đồng qua điểm, ông Lê Quốc Minh- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhận định "hiện nay báo chí đang đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn". Theo ông Minh, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo. AI mang lại tiềm năng to lớn cho thế giới và cho nghề báo, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro; do đó cần phải hết sức thận trọng.
"Nhiều tòa soạn lớn trên thế giới cũng có chung nỗi lo trước những rủi ro mà AI có thể mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung. Hiện nay, báo chí thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả. Nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, tạo ra deep fake (kỹ thuật kết hợp giữa các thuật toán học sâu và máy với mục đích tạo ra những video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo), gây ra hậu quả nghiêm trọng; việc ngày càng có nhiều thiết bị mới xuất hiện đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho báo chí phát triển'- ông Minh chỉ rõ.
Trước thực trạng này, ông Lê Quốc Minh cho rằng, các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý, nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, của cơ quan mình để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI… Việc thị trường quảng cáo báo chí bị thu hẹp, các cơ quan báo chí cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Theo đó, cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao…
Đặc biệt, theo ông Lê Quốc Minh, báo in cần được nâng niu và đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết, mà chỉ con người mới có thể mang lại, mà không kỹ thuật số nào có thể tạo ra…
Lê Văn