TS.BS.Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BV S.I.S Cần Thơ, cho biết BV vừa can thiệp cứu mạng thành công bệnh nhân P.T.H (sinh năm 1962, trú tỉnh An Giang), người bị rò hệ động mạch-tĩnh mạch màng cứng.
Trước đó, ông H. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tình trạng phổi rất xấu. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp bệnh rất khó, nguy cơ tử vong cao. Ghi nhận bệnh sử cho thấy, ông H. từng được điều trị chuyên sâu về bệnh lý mạch máu. Gần đây, ông H. bị đỏ mắt kèm theo ù tai. Còn trong ngày nhập viện thì động kinh, co giật toàn thân, lơ mơ...
Tại BV S.I.S, ông H. được chỉ định thực hiện chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao. Kết quả CT-Scan (chụp cắt lớp vi tính) kết hợp DSA (chụp ảnh mạch máu số hóa xóa nền) cho thấy, ông H. bị rò hệ động- tĩnh mạch màng cứng vùng đỉnh chẩm. Màng não là lớp màng lót để bảo vệ não, bao bọc toàn bộ não trong hộp sọ và bao quanh toàn bộ tuỷ sống trong ống sống. Màng não gồm có 3 lớp: Lớp trong cùng gần nhất với não và tuỷ sống được gọi là màng mềm; lớp giữa là màng nhện; lớp ngoài cùng nằm sát với xương sọ hay tuỷ sống là màng cứng.
Còn động mạch máu não đưa máu giàu ôxy tới nuôi não; tĩnh mạch máu não thì đưa máu nghèo oôxy về tim để làm sạch. Theo BS.Cường, rò hệ động- tĩnh mạch màng cứng khiến máu từ động mạch màng cứng tràn qua tĩnh mạch, sau đó gây ứ trệ hệ tĩnh mạch, làm hệ tĩnh mạch không dẫn lưu (cấp máu) về tim, gây phù não. “Đây cũng là nguyên nhân gây động kinh và hôn mê đối với ông H”- BS.Cường giải thích.
Với ca bệnh khó này, các bác sĩ BV S.I.S Cần Thơ phải tìm cách ngăn chặn dòng máu từ động mạch qua tĩnh mạch, nếu không tắc được động mạch này, thì sẽ khiến tĩnh mạch càng dãn to ra, ứ trệ tuần hoàn càng lớn, xấu nhất là bệnh nhân sẽ xuất huyết não và tử vong. Vậy là các bác sĩ tiến hành can thiệp, gây tắc rò hệ động- tĩnh mạch màng cứng bằng keo đơn thuần, giúp cắt giảm được lưu lượng máu từ động mạch tràn qua tĩnh mạch.
“Gần hai tuần điều trị sau can thiệp, sức khỏe ông H. đã chuyển biến tốt hơn, ứ trệ trên não đã được cải thiện rõ rệt, tình trạng viêm phổi cải thiện rõ. Ông H. được phép rời khu hồi sức để tới khoa ngoại tổng hợp theo dõi, điều trị tiếp tục”- BS.Cường thông tin thêm.
Theo BS.CKII.Ngô Minh Tuấn, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (BV S.I.S Cần Thơ), với công nghệ chẩn đoán hình ảnh hiện đại hiện nay, phía BV có thể phát hiện khá dễ dàng một trường hơp rò hệ động- tĩnh mạch trong não. Tuy nhiên quá trình điều trị lại không dễ dàng chút nào, thậm chí là rất khó khăn. “Để điều trị thành công ca bệnh này, bên cạnh công nghệ hiện đại thì đội ngũ chuyên gia về can thiệp mạch máu thần kinh cũng phải chắc tay”- Chuyên gia chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia, trong trường hợp đỏ mắt, ù tai sau chấn thương đầu hoặc không chấn thương, nếu có đau đầu kéo dài, sa sút trí tuệ, đặc biệt động kinh mới mắc..., cần sớm đến cơ sở y tế chuyên sâu. “Đây là những tình huống mà bác sĩ cần sớm loại trừ nguyên nhân rò động mạch cảnh xoang hang, hay rò hệ động- tĩnh mạch màng cứng trong não, hệt như trường hợp bệnh nhân H...”- BS.Tuấn khuyến cáo.
Thanh Giang