Thái Lan là một trong các quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Tại Trường Tiểu học Suan Lumphini (Bangkok, Thái Lan) có khu vực cắm một lá cờ màu biểu thị chất lượng không khí trong ngày. Theo đó, màu đỏ là chất lượng không khí kém; màu vàng là chất lượng không khí vừa phải; màu xanh lam là chất lượng không khí bảo đảm. Ở đây, mỗi ngày, hàng trăm học sinh hát Quốc ca, cũng như học tập, trong sự ồn ào và ô nhiễm vì ngay bên ngoài trường là một quốc lộ 8 làn đường thường xuyên ùn tắc.
Thái Lan là một trong các quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Năm ngoái, một số tỉnh, thành phố của quốc gia này đứng đầu thế giới về số ngày ô nhiễm nhất. Hệ hô hấp của người dân, đặc biệt là trẻ em, phải đối mặt với nguy cơ cao bị tổn thương lâu dài. “Con gái 8 tuổi của tôi liên tục ốm mặc dù tôi luôn nhắc con phải đeo khẩu trang và tránh ra ngoài nhiều”- cô Lalipthat Prakham, một phụ huynh, cho biết.
Học sinh đeo khẩu trang ở một lớp học có cửa sổ mở tại Trường Suan Lumphini (Bangkok, Thái Lan)
Hồi tháng 1/2024, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cam kết sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Một trong những động tích cực là nội các của ông thông qua một dự luật nhằm ghi nhận mức độ nguy hiểm của PM2.5- bụi mịn có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm. Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ, các hợp chất kim loại khác… Chúng lơ lửng trong không khí, gây nguy hại đến môi trường v sức khỏe con người ở mức đáng báo động.
Nhưng rõ ràng, trong khi chờ đợi hiệu quả của dự luật, thì người dân vẫn phải tự ứng phó. Anh Nanthnan Hajiub, 45 tuổi, cho biết con trai 11 tuổi của anh thỉnh thoảng bị những đợt ho rất dài: “Tôi lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí và ảnh hưởng của nó đến hệ hô hấp của trẻ em. Hi vọng Chính phủ và cơ quan chức năng quan tâm đến tình hình sát sao hơn nữa”.
Bức ảnh chụp vào ngày 22/1/2024 cho thấy một lá cờ màu vàng, biểu thị chất lượng không khí ở mức vừa phải, được cắm tại Trường Suan Lumphini
Về phía các nhà trường, có thể thấy, học sinh đối mặt với ô nhiễm không khí ở mức độ khác nhau. Tại các trường quốc tế hay tư thục, học sinh tương đối được bảo đảm do trường thường sử dụng máy lọc không khí và hệ thống lọc trong lớp học. Song, tại các trường công lập, do nhiều nguyên nhân mà cơ sở vật chất chưa đáp ứng được tình hình. Gần đây, Chính phủ Thái Lan triển khai 4 dự án tại một số khu vực bị ô nhiễm không khí nặng, trong đó đặt mục tiêu dần dần trang bị các “phòng sạch” với hệ thống điều hòa có chức năng lọc không khí cho nhà trường. Ông Suphatpong Anuchitsopapan, Hiệu trưởng một trường Tiểu học, bày tỏ lo ngại các biện pháp đề ra chưa đủ để giải quyết hiệu quả tình hình, đồng thời, khẳng định "ô nhiễm không khí khiến học sinh yếu đi": “Nếu trẻ em có sức khỏe tốt trong quá trình học tập, sau này các em sẽ có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội”.
Biểu đồ thông tin về ô nhiễm không khí PM2.5
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, ngoài việc gây tổn hại đến hệ hô hấp của trẻ em, ô nhiễm không khí còn khiến trẻ em có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn và cản trở sự phát triển của não bộ. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về con số trẻ em nhập viện do ô nhiễm nhưng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan đưa ra cảnh báo, bụi mịn PM2.5 là “mối đe dọa sức khỏe cộng đồng đáng kể”. Hội đồng Tư vấn Chính phủ Thái Lan cũng thông, trong 2 tháng đầu năm 2024, khoảng 910.000 người được ghi nhận là giảm sút sức khỏe do ô nhiễm không khí.
Cô Jiraporn Sukpraserd, 51 tuổi, giáo viên mẫu giáo, chia sẻ: “Gần đây, lớp mẫu giáo nhỏ tuổi nhất của trường tôi đã được trang bị hệ thống điều hòa lọc khí. Trước đó, tôi rất lo lắng cho sức khỏe của lớp vì các em đều dưới 4 tuổi, trong khi vài tuần nay chất lượng không khí đều bị đánh giá ở mức đỏ và cam. Khi chưa có điều hòa lọc khí, học sinh quá nóng nếu đóng kín cửa sổ, vì vậy đôi khi chúng tôi phải mở cửa và chấp nhận việc không khí ô nhiễm lọt vào. Tôi muốn mọi lớp học đều có hệ thống này, sẽ giúp trẻ em không bị ốm để đảm bảo việc học”.
Tùng Anh (Theo Bangkok News)