Kết quả khảo sát PAPI 2023 cho thấy, người dân cho biết có cải thiện trong nỗ lực phòng chống tham nhũng và quản trị điện tử ở địa phương trong bối cảnh lo ngại về tính minh bạch và tình hình kinh tế. Trong số 10 vấn đề người dân quan tâm và quan ngại nhất trong năm 2023, vẫn có lĩnh vực y tế/BHYT; tuy nhiên đây cũng là mối quan ngại có tỷ lệ giảm đáng kể nhất so với năm 2022, với tỷ lệ giảm 2,39%.
Xu hướng tích cực trong quản trị và hành chính công
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng DVC dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.
Theo Báo cáo PAPI năm 2023 được công bố sáng 2/4, xu hướng chính trong đánh giá của người dân về hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2023 khi so sánh với năm 2021 và năm 2022 cho thấy: Nhìn chung, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị điện tử được cải thiện phần nào. Ngược lại, hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có xu hướng giảm sút. Riêng 5 chỉ số nội dung còn lại (tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân, TTHC công, cung ứng DVC, quản trị môi trường) cho thấy hiệu quả thực hiện công vụ ở những lĩnh vực này ít thay đổi so với 2 năm trước.
Theo đánh giá của người dân, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 điểm vào năm 2023. Mức thay đổi theo hướng tích cực hơn này cũng phù hợp với xếp hạng của người dân về các vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết trong thời gian tới: Tham nhũng đã giảm từ vị trí thứ 5 (năm 2022) xuống vị trí thứ 6 (năm 2023) trong danh mục top 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.
Bên cạnh đó, người dân có cảm nhận hiện trạng tham nhũng có xu hướng giảm ở 5 trong số 8 hoạt động công vụ đo lường qua PAPI. Đó là: Cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng, người dân phải đưa “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương nhận chung chi để DN trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập, người dân phải đưa “lót tay” để được quan tâm hơn khi đi KCB ở BV công. Mặc dù vậy, trong năm 2023, tỷ lệ người cho rằng cần phải đưa “lót tay” để đảm bảo xin được việc làm trong khu vực nhà nước cao hơn so với năm 2021.
Kết quả khảo sát PAPI 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Đáng chú ý, số người cho rằng cần phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan nhà nước vẫn ở mức cao, mặc dù tỷ lệ người dân có cảm nhận như vậy đã giảm kể từ năm 2016. Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56% đến 62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng “vị thân” này.
Dư địa cải cách còn lớn
Cũng theo Báo cáo PAPI, điều đáng lo ngại, đó là có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã. Nếu như từ năm 2018 đến năm 2022 có khoảng 43% đến 46% số người được hỏi xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai, thì đến năm 2023 giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019.
Một trọng tâm quan trọng khác của Báo cáo PAPI là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử trong bối cảnh Chính phủ và chính quyền các cấp thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và công dân số. Quản trị điện tử là một trụ cột quan trọng cho ngồi nhà quản trị công hiệu quả. Quản trị điện tử hiệu quả có ý nghĩa quan trọng, bởi qua đó người dân có thể tránh được TTHC rườm rà, đồng thời thúc đẩy công khai, minh bạch trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân.
Kết quả khảo sát còn cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các Cổng DVC ở địa phương so với năm 2020. Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát cho biết mình đã dùng internet tại nhà, song “khoảng cách số” trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Đáng chú ý, tỷ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn từ 5-10% so với nữ giới, người DTTS cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn từ 10-20% so với người Kinh qua các năm từ 2016 đến 2023.
Bên cạnh đó, đa số người dân chưa dùng DVC trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng DVC quốc gia và 7,6% sử dụng Cổng DVC cấp tỉnh. Một trong những lý do khiến người dân chưa dùng DVC trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư, với 1/3 số người đã dùng các Cổng DVC nêu lý do này.
Những phát hiện này cho thấy, cần cải thiện tính dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng của các Cổng DVC trực tuyến, đảm bảo tính thuận tiện và toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân. Một biện pháp thiết thực là thiết kế Cổng DVC trực tuyến theo hướng tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập và sử dụng mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, các Cổng DVC cũng phải đảm bảo quyền riêng tư của công dân.
Năm 2023, trong số 10 vấn đề dẫn đầu (tổng hợp từ hơn 40 vấn đề đáng quan ngại) mà người dân nêu lên, đói nghèo được 22,39% số người dân lựa chọn, trong khi việc làm là mối quan tâm lớn nhất của 12,79% số người trả lời. Tăng trưởng kinh tế đứng thứ ba với 9,2% người dân đề cập. Tiếp theo là DVC (gồm đường sá, giáo dục) với tỷ lệ người dân lựa chọn lần lượt là 6,85% và 6,38%. Tham nhũng đứng thứ 6 với 5,25%; thu nhập 5,9%; an ninh trật tự 3,23%; đất đai 2,73% và y tế/BHYT đứng thứ 10 với 2,47%. Tuy nhiên, lĩnh vực y tế/BHYT cũng là mối quan ngại có tỷ lệ giảm đáng kể nhất so với năm 2022, với tỷ lệ giảm 2,39%.
Ngoài ra, chất lượng quản trị và hành chính công tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn so với các địa phương phía Nam. Trong 15 địa phương thuộc nhóm “cao”, có 5 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, 4 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Trong 16 địa phương thuộc nhóm “thấp” có 7 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và 3 địa phương vùng Tây Nguyên.
Thái An