5 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương do Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề "Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Thời gian triển khai từ 15/4 đến 15/5/2024 trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các Ban Chỉ đạo liên ngành địa phương, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.
Căn cứ vào kế hoạch triển khai Tháng hành động năm 2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch Tháng hành động phù hợp với yêu cầu và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm của địa phương.
Đồng thời, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra Tháng hành động tại địa phương và thực hiện từ tuyến tỉnh đến quận/huyện, thị trấn/phường/xã; chuẩn bị nội dung báo cáo của địa phương với các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã xây dựng.
Theo kế hoạch, ở cấp Trung ương sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm. Ở cấp địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh/thành phố đến cấp xã/phường.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, DN trong thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Từ đó, giúp nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.
Hà Hùng