Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Nepal là một trong những quốc gia phát triển chậm nhất ở châu Á, với tỷ lệ mù chữ lên tới 90% và kinh tế bất ổn vì bị ảnh hưởng bởi thiên tai thường xuyên.
Macrame là một nghệ thuật tạo nên vật dụng từ các loại dây thông qua kỹ thuật thắt nút, thay vì dệt hoặc đan, để tạo nên các hoa văn họa tiết tinh tế trên sản phẩm. Việc thắt Macrame cũng không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và dụng cụ, máy móc chuyên biệt như dệt hay đan; chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, nắm rõ nguyên tắc thắt và vài sợi dây là có thể tạo ra sản phẩm. Từ xa xưa, tại Nepal và nhiều quốc gia trên thế giới, kỹ thuật này được sử dụng bởi các thủy thủ, để trang trí hoặc để gia cố bất cứ thứ gì, từ cán dao, chai lọ cho đến các bộ phận của tàu, thuyền… Ngày nay, với sự đa dạng trong ứng dụng, Macrame được sử dụng và được yêu thích đặc biệt trong lĩnh vực thời trang và nội, ngoại thất.
Là một quốc gia nông nghiệp, người lao động Nepal hầu hết làm việc trong khu vực này. Tuy nhiên, do phải hứng chịu thiên tai thường xuyên nên đời sống người dân vất vả, thu nhập khá bấp bênh. Trong đó, chịu nhiều thiệt thòi là các đối tượng yếm thế trong xã hội như phụ nữ và trẻ em gái nghèo. Họ không được tiếp cận với nguồn lương thực đảm bảo; cơ hội giáo dục và thậm chí có một bộ phận trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người. Để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái nghèo, bên cạnh động thái của Chính phủ, còn có sự chung tay của nhiều tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ.
Chẳng hạn, vào năm 1984, bà Shyam Badan Shrestha bắt đầu thành lập Trung tâm Knotcraft Nepal, nhằm đón nhận phụ nữ và trẻ em gái gặp khó khăn về kinh tế- giáo dục, đào tạo để giúp họ cơ hội việc làm. Qua đó, hỗ trợ họ ổn định và tự trang trải được cho cuộc sống bản thân, phụ giúp gia đình và góp phần xóa đói giảm nghèo cho đất nước. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm tuyển dụng hàng trăm phụ nữ và trẻ em gái từ mọi nhóm dân tộc ở Nepal; cử các nhóm đến vùng sâu, vùng xa để đào tạo lao động nữ kỹ thuật làm sản phẩm thủ công kiểu Macrame…
Tóm lại, trang bị cho lao động nữ những kỹ năng cần thiết, để họ không chỉ làm việc cho Trung tâm, mà lâu dài còn có thể mở cửa hàng, xưởng sản xuất độc lập, lan tỏa tinh thần hỗ trợ tới nhiều phụ nữ và trẻ em gái nghèo hơn nữa. Đáng chú ý là tất cả phụ nữ và trẻ em gái nghèo khi nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Knotcraft Nepal đều có thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, Trung tâm cấp học bổng giáo dục cho trẻ em gái để nâng cao khả năng được đến trường của các em.
Knotcraft Nepal và một số Trung tâm hoạt động cùng tôn chỉ, có điểm chung là sử dụng kỹ thuật Macrame và nhiều loại vật liệu bền vững để tạo ra sản phẩm của mình. Ban đầu, họ nhập khẩu bông tự nhiên, theo thời gian, dần dần mở rộng sang sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau dựa trên nguồn cung bản địa, chẳng hạn như ngô, lúa mì, tre, thông, chuối, bạch đậu khấu, lục bình, gạo… và giấy cói. Tất cả những vật liệu này đòi hỏi kỹ năng dệt khác nhau và tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau.
“Chúng tôi sử dụng vật liệu hoàn toàn tự nhiên và bền vững mà không tạo ra bất kỳ rác thải nào. Hơn nữa, dãy núi Himalaya ở Nepal hiện có khoảng 140.000 tấn rác thải nhân tạo. Và đó là lý do chúng tôi có dự án hợp tác với Trung tâm Phát triển bền vững Avni trong việc thu thập rác thải phù hợp như lều bạt, dây thừng… để tái sử dụng sản xuất đồ thủ công. Nói cách khác, trong tương lai gần, chúng tôi muốn hướng tới các dòng sản phẩm tái chế hoàn toàn”, đại diện Knotcraft Nepal cho biết.
Dựa trên kỹ năng thắt nút Macrame của Nepal, phụ nữ và trẻ em gái nghèo tạo ra bông tai, ví, giỏ xách, miếng lót ly, khay đựng… và đệm ghế. Không chỉ mang lại sinh kế cho người nghèo, việc này còn quảng bá văn hóa Nepal và tạo cơ hội cho mọi người trên toàn thế giới kết nối với văn hóa của quốc gia này. Hơn nữa, còn giúp bảo tồn và ngăn chặn nguy cơ lụi tàn của một loại nghệ thuật truyền thống.
Tùng Anh (Theo NKC)