Ngày 26/3, Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh H' Yim Kđoh- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì.
Tại Hội nghị, đại diện BHXH tỉnh Đắk Lắk, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, trong năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có hơn 112.790 người tham gia BHXH bắt buộc; BHXH tự nguyện cũng thu hút 24.392 người tham gia; BHYT có 1.735.486 người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 92,7%/dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Có thể nói, tất cả chỉ tiêu phát triển người tham gia của Đắk Lắk trong năm qua đều vượt so với kế hoạch được giao.
Song song đó, cũng trong năm 2023, toàn tỉnh đã thu được hơn 3.864 tỷ đồng, đạt 103,12% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là 117 tỷ đồng, chiếm 2,86%, thấp hơn so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao (2,87%).
Đồng thời, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và đã ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra tại 270 đơn vị, đạt 102% số đơn vị được giao. Từ đó, đã ban hành quyết định XPVPHC đối với 5 đơn vị với số tiền 123 triệu đồng và ban hành 1 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC. Đặc biệt, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã chuyển nộp số tiền nợ đóng hơn 14,778 tỷ đồng; tỷ lệ thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 90% tổng số tiền nợ, cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn Đắk Lắk đã phát huy hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng là điểm nhấn khi đã tổ chức, triển khai một cách toàn diện, phản ánh kịp thời các hoạt động liên quan đến tổ chức thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn…
Tại Hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo tỉnh cũng chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân chủ quan, khách quan, cũng như bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trong đó, bài học kinh nghiệm được rút ra gồm: Phải chủ động, nắm bắt kịp thời những quan điểm, định hướng chỉ đạo của cấp trên, những chính sách và quy định về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, từ đó, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kịp thời, đúng quy định của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể trong tổ chức triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ, Ngành trung ương. Đồng thời, thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về chính sách BHXH, BHYT thông qua chế tài và truyền thông. Xác định chính sách BHXH, BHYT là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, xem đó là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh hình thức đối thoại trực tiếp, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết của toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong ngành BHXH tỉnh. Phân công công việc rõ ràng và gắn trách nhiệm cho từng cán bộ; kịp thời khen thưởng, động viên đối với những cán bộ làm tốt và kiểm điểm những cán bộ làm không tốt, chưa tốt công khai, minh bạch.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra một số khó khăn cụ thể như: Số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 63,01% so với kế hoạch UBND tỉnh giao, số người tham gia BHXH bắt buộc mới đạt 97,9% so với kế hoạch UBND tỉnh giao; số người tham gia BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh còn thấp so với tiềm năng. Bên cạnh tình trạng các DN cố tình trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ; số người tham gia BHXH bắt buộc còn thấp so với tiềm năng; một số xã chưa chủ động trong công tác rà soát, phê duyệt người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình; tỷ lệ HSSV tham gia BHYT mới đạt 94,94%.
“Có thể nói công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp ở Đắk Lắk đã khá hoàn thiện. BHXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2017/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; 4 Phó Trưởng ban trong đó 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực. Từ đó, Ban Chỉ đạo cũng đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Trưởng ban phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời, BHXH các huyện, thị xã phối hợp với Phòng Y tế và các cơ quan liên quan tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập và duy trì tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn và chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo tại cấp xã. Hiện nay, tại tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 1 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, 15/15 Ban Chỉ đạo cấp huyện và 184/184 Ban Chỉ đạo cấp xã; tất cả Ban chỉ đạo đều do Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng Ban Chỉ đạo và có thành viên là cán bộ văn hóa - xã hội). Đây là cơ sở để tiếp tục làm tốt công tác thúc đẩy phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tốt hơn” – ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn chia sẻ tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk cũng đặt ra mục tiêu cụ thể trong năm 2024 phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 93.5% dân số; số người tham gia BHXH so với LLLĐ trong độ tuổi đạt 14,67%; số người tham gia BH thất nghiệp so với LLLĐ trong độ tuổi đạt 10,82%; phấn đấu chỉ tiêu giảm nợ thấp hơn tỷ lệ nợ do BHXH Việt Nam giao; kiểm soát chi KCB BHYT đảm bảo trong phạm vi dự toán Chính phủ giao năm 2024; giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kịp thời, đúng quy định; hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu khác được giao...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H' Yim Kđoh- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh, BHXH, BHYT là 2 chính sách lớn, quan trọng của Đảng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, mang tính nhân văn, nhân đạo và chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Vì vậy, để triển khai chính sách BHXH, BHYT được tốt nhất, bà H' Yim Kđoh cho rằng cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk cũng đồng thời yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung phân tích, làm rõ hơn những vấn đề cần chỉ đạo tổ chức thực hiện về phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là phát triển BHYT HSSV, BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại địa phương; xử lý nợ đọng BHXH, BHYT và kiểm soát chi phí KCB BHYT. Bên cạnh đó, tập trung rà soát và phê duyệt hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn từng xã để vận động, tuyên truyền tham gia BHYT. Nghiên cứu đề xuất trình HĐND ban hành Nghị quyết quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
Phạm Thọ - Phạm Loan