Suy giảm buồng trứng ở phụ nữ, hay không có tinh trùng ở nam giới... là những nguyên nhân từng khiến ước mơ được làm cha mẹ của nhiều cặp vợ chồng trở lên vô vọng. Tuy nhiên, rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại được phát triển thành công tại Việt Nam đã làm nên nhiều điều kỳ diệu…
Chật vật “tìm con” vì biến chứng quai bị
Kết hôn năm 2016, chỉ sau 1 năm, vợ chồng anh Chu Văn Hải (1993) và chị Nguyễn Thị Thơm (1995), quê Quảng Ninh không khỏi hụt hẫng, suy sụp trước thông tin anh Hải bị vô sinh nam do teo tinh hoàn, không có tinh trùng bởi biến chứng quai bị năm 17 tuổi. Cơ hội tìm con với vợ chồng anh Hải tưởng chừng như phải dừng lại...
Theo ThS.BS.Đinh Hữu Việt- Trưởng khoa Nam học (BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội): “Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở nam giới. Trong đó, một nguyên nhân chính là bệnh quai bị, gây ra tình trạng viêm và teo tinh hoàn, dẫn đến không có tinh trùng. Nguyên nhân này xảy ra ở khoảng 10-15% những cặp đôi không có tinh trùng tới khám tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội”.
Theo BS.Việt, biến chứng sau quai bị là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra teo tinh hoàn, suy tinh hoàn không có tinh trùng... Từ đó, tinh hoàn sinh tinh kém hoặc thậm chí không sinh tinh dẫn đến xuất tinh không có tinh trùng. Để có con, bệnh nhân cần được can thiệp sâu vào tinh hoàn để tìm tinh trùng và thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với trứng của người vợ. “Phương pháp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE được chỉ định cho nhóm bệnh nhân này, nhằm nâng cao tỷ lệ thành công”, BS.Việt cho biết.
Theo đó, phẫu thuật vi phẫu Micro TESE sẽ can thiệp sâu vào tinh hoàn để tìm những ống sinh tinh có chứa tinh trùng thông qua kính vi phẫu có độ phóng đại lớn. Phẫu thuật Micro TESE đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục con vừa đủ để làm thụ tinh ống nghiệm. “Bác sĩ mổ phải có kinh nghiệm “căn” rất chuẩn sao cho tinh trùng lấy ra là vừa đủ, không lấy quá nhiều mô gây tổn thương tinh hoàn”, BS.Việt chia sẻ.
Chuyên gia này cho biết thêm: Phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng, mang lại hiệu quả điều trị cao. Đối với những trường hợp bệnh nhân bị teo tinh hoàn do biến chứng quai bị, khi thực hiện mổ Micro TESE cho tỷ lệ tìm thấy tinh trùng là rất cao lên tới hơn 90%, hạn chế tổn thương mô tinh hoàn, ít để lại biến chứng.
Là bác sĩ thăm khám cho vợ chồng anh Hải và chị Thơm trong hành trình tìm con, BS Việt cũng trực tiếp phẫu thuật Micro TESE cho nam bệnh nhân, lấy tinh trùng để tạo phôi. Có được tinh trùng ở người đàn ông vô tinh đã là một điều kỳ diệu của y học hiện đại, tuy nhiên hai vợ chồng đã không may mắn có được tin vui trong 2 lần chuyển phôi đầu tiên. Phải đến năm 2022, may mắn đã mỉm cười khi hai vợ chồng quyết tâm quay lại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đúng đợt được BV hỗ trợ các ca hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục thực hiện phẫu thuật vi phẫu Micro TESE tìm tinh trùng đủ để tạo phôi, sau 19 ngày chuyển phôi, chị Thơm đi siêu âm và được BS. thông báo đã có thai. Tháng 7/2023, vợ chồng anh Hải- chị Thơm hạnh phúc đón chào một thiên thần nhỏ kháu khỉnh. “Mình mừng nhưng chắc chồng mình mừng gấp đôi. Mọi người ai cũng phấn khởi chúc mừng hai vợ chồng”, chị Thơm nhớ lại.
Hiện thực hóa ước mơ từ 1% khả năng làm mẹ
Điều kỳ diệu khác cũng đã xảy ra với cặp vợ chồng chị Trần Tuyết Anh (sinh năm 1990) và anh Nguyễn Anh Tú (sinh năm 1990) tại Hà Nội, khi người phụ nữ này được chẩn đoán chỉ có 1% cơ hội làm mẹ vì hội chứng suy giảm buồng trứng với chỉ số AMH chỉ còn 0,01%.
BS.Nguyễn Thành Trung- Trưởng khoa Khám bệnh (BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) giải thích: Mỗi người phụ nữ có lượng trứng cố định ngay từ khi sinh ra. AMH là một hormon được tiết ra từ tế bào nang buồng trứng của phụ nữ, do đó AMH là chỉ số để đánh giá chính xác khả năng sinh sản của buồng trứng ở nữ giới. Bình thường ở phụ nữ dưới 38 tuổi sẽ có chỉ số AMH khoảng từ 2,2 đến 6,8 ng/mL. Nếu AMH quá thấp dưới 0,5 ng/mL đây là một dấu hiệu cho thấy có rất ít trứng được dự trữ và khả năng mang thai là vô cùng khó khăn. Nếu AMH thấp khoảng từ 1,0- 1,5 ng/mL đồng nghĩa với việc khả năng dự trữ buồng trứng bị suy yếu. Còn nếu AMH quá cao trên 10 ng/ mL sẽ gợi ý đến bệnh buồng trứng đa nang... Chuyên gia này cho biết: “AMH giảm vẫn hoàn toàn có thể có thai tự nhiên được. Tuy nhiên, chỉ số này cảnh báo bạn nên có thai sớm. Để càng lâu, chỉ số AMH giảm, dự trữ buồng trứng giảm thì cơ hội có con sẽ khó khăn hơn. Nếu giảm đến mức độ chẩn đoán suy buồng trứng thì cơ hội có thai tự nhiên rất thấp”.
Với trường hợp của chị Tuyết Anh, chỉ số dự trữ buồng trứng AMH đã về mức 0,01. Trước đó, 2 vợ chồng chị cũng đã thử áp dụng phương pháp Thụ tinh nhân tạo (IUI) và Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tuy nhiên những lần đó đều cho kết quả không như mong đợi. Không muốn lựa chọn giải pháp “xin trứng” để sinh con, “hai vợ chồng quyết định sẽ gom trứng, gom phôi để làm tất cả những gì có thể và không còn gì ân hận”, chị Tuyết Anh cho biết. Theo đó, các bác sĩ của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã áp dụng phương pháp trữ noãn. “Để tăng khả năng thành công cho bệnh nhân thì bác sĩ sẽ chỉ định kích trứng, sau đó sẽ đông lại noãn cho bệnh nhân nhiều chu kỳ để có một lượng noãn nhất định, rồi mới tạo phôi. Khi có nhiều noãn thì khả năng có nhiều phôi hơn, khi nhiều phôi thì cơ hội đậu thai của họ sẽ lớn hơn”, BS.Nguyễn Thành Trung cho biết.
Sau hơn 10 năm mòn mỏi chờ đợi, năm 2023 chị Tuyết Anh nhận tin vui đậu thai. Trong quá trình mang thai, sản phụ cũng gặp không ít nguy cơ như: tình trạng rỉ ối, thai doạ sảy, và phải 2 lần thực hiện khâu eo cổ tử cung để giữ thai ở tuần thứ 19 và tuần thứ 24. Tháng 1/2024, sau bao ngày vất vả mong chờ, ước mơ về một gia đình có tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ của cô giáo tiểu học Tuyết Anh đã trở thành hiện thực với hai em bé khỏe mạnh được chào đời. Câu chuyện của chị Tuyết Anh cũng chính là một kỳ tích y học vượt hơn cả mong đợi, khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của y tế Việt Nam trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản…
Thái An