Ngày 11/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc các hiệp hội DN và giới doanh nhân Việt Nam, kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2023); đồng thời công bố Nghị quyết mới về doanh nhân của Bộ Chính trị vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2023 cũng là lần đầu tiên VCCI tổ chức một hội nghị gặp gỡ toàn quốc các Hiệp hội DN và giới doanh nhân Việt Nam, cùng thảo luận về công tác phát triển Hiệp hội, hợp tác thực hiện mục tiêu chung: phát triển DN, phát triển ngành, xây dựng văn hóa kinh doanh…
Theo ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI, với nhìn nhận DN là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ DN. Đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo DN đã đạt con số từ 2-3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người.
Chủ tịch VCCI đánh giá, công cuộc đổi mới từ năm 1986 như “làn gió mùa Xuân” đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế, đặc biệt việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật DN tư nhân được ban hành, bên cạnh các DN nhà nước, toàn quốc chỉ có khoảng 5.000 DN tư nhân. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900.000 DN, cùng với các DN nhà nước, các DN FDI, các hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Đồng thời, theo VCCI, chất lượng doanh nhân cũng được cải thiện. Việt Nam có một số doanh nhân lọt vào top “tỷ phú USD” toàn cầu. Tới nay, Việt Nam đã có 124 DN, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia…
Tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc An- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chính thức ký ban hành Nghị quyết Nghị quyết 41-NQ/TW (ngày 10/10/2023) về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Cách đây 12 năm, Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đã được triển khai, và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Phần lớn DN có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh hạn chế. Số DN quy mô lớn có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn yếu. Năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. “Để tiếp tục xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò và sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện mực tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, cho thấy cần có một Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về vấn đề này”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo đó, Nghị quyết 41 xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, theo ông Đỗ Ngọc An, đây là điểm tương tự Nghị quyết 09 nhưng có bổ sung thêm “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nghị quyết 41 đề ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều DN đạt tầm khu vực, một số DN đạt tầm thế giới; một số DN lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số DN có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận DN có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... Nghị quyết 41 cũng nêu rõ, các cấp ủy Đảng xây dựng, cổ vũ, tôn vinh đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có ý chí tự cường. Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam gắn với cộng đồng đồng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển...
“Đây là món quà đặc biệt dành cho cộng đồng doanh nhân, DN. Đồng thời là chỗ dựa cho cộng đồng DN doanh nhân phát triển thời gian tới. Nghị quyết 41 đã nêu rõ những nhiệm vụ cho Chính phủ, Quốc hội về thể chế hoá cho sự phát triển của doanh nhân, DN. Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho VCCI và các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, DN. Mong các DN phối hợp cùng VCCI đưa nghị quyết vào cuộc sống”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Vào buổi chiều nay, VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Thường trực Chính phủ với doanh nhân, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ. Đây là chuỗi những hoạt động quan trọng chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2023.
Thái An