Chiều 3/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương đã có buổi khảo sát tình hình thực hiện Luật BHXH 2014 giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Bà Nguyễn Thị Việt Nga- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi khảo sát.
Tạo chuyển biến trong nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH
Báo cáo với Đoàn, ông Vũ Đức Khiên- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BHXH Hải Dương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, đảm bảo quyền lợi cho nhiều NLĐ...
Bà Nguyễn Thị Việt Nga- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc
Chính vì vậy, trong giai đoạn 2020-2022, dù gặp nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái và dịch bệnh, nhưng BHXH tỉnh Hải Dương vẫn đạt và vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH. Cụ thể: Năm 2020 có 390.382 người tham gia BHXH, chiếm 39,1% lực lượng lao động; năm 2021 có 420.256 người tham gia BHXH, chiếm 45,2% lực lượng lao động; năm 2022 có 423.468 người tham gia BHXH, chiếm 45,49% lực lượng lao động. “Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện cũng gia tăng và đạt gần 6% lực lượng lao động, vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết số 28 đề ra”- ông Khiên thông tin.
Cũng trong giai đoạn qua, BHXH tỉnh Hải Dương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật BHXH tại các đơn vị SDLĐ; cử cán bộ trực tiếp xuống từng đơn vị SDLĐ để kiểm tra, đôn đốc thu nộp BHXH; kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về việc kiểm tra đối với các đơn vị chậm đóng, nợ đọng BHXH kéo dài...
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật BHXH của chủ SDLĐ; quyền lợi của NLĐ được đảm bảo đúng quy định; đồng thời kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH. Qua đó, góp phần tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia BHXH. Đặc biệt, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm của việc tham gia BHXH, BHYT; từ đó củng cố niềm tin vững chắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH tỉnh Hải Dương, trong giai đoạn 2020-2022, kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, doanh thu bị giảm sút, nhiều DN phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, hàng ngàn NLĐ tại các DN không được đóng BHXH đầy đủ...
Thực trạng này khiến nhiều NLĐ phải rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, số người hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng nhanh. Từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết cho 28.738 người hưởng BHXH một lần, trung bình mỗi năm có 9.579 người thanh toán BHXH một lần. Theo khảo sát, có tới 77% số NLĐ giải quyết chế độ BHXH một lần là do đời sống, kinh tế khó khăn, 14% do tâm lý dao động của việc sửa đổi Luật BHXH và các yếu tố khác.
Triển khai chính sách BHXH cần mang tính ổn định, bền vững
Tại buổi làm việc, các ĐBQH đã đề nghị BHXH tỉnh Hải Dương làm rõ tình hình chi BH thất nghiệp trong giai đoạn 2021-2022 và những tháng đầu năm 2023; thực trạng chi BHXH một lần tại Hải Dương và giải pháp hạn chế việc NLĐ nhận BHXH một lần; xem xét dự kiến bổ sung chế độ thai sản, giảm độ tuổi hưởng hưu trí xã hội xuống còn 75 tuổi như trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có gây áp lực cho công tác quản lý cũng như các nguồn lực khác hay không?...
Bà Trần Thị Hương- Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương báo cáo tại buổi làm việc
Đặc biệt, theo các ĐBQH, mức trợ cấp thai sản theo Dự thảo Luật còn thấp. Do đó, BHXH tỉnh Hải Dương cần tính toán, đề xuất mức đóng BHXH tự nguyện như thế nào để chính sách này hấp dẫn người dân... Hay như giải pháp nào giúp Hải Dương thu hồi nợ đóng BHXH, đưa tỷ lệ nợ BHXH xuống thấp so với mức bình quân chung toàn quốc...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, đánh giá những khó khăn tác động đến việc bao phủ BHXH đến các nhóm đối tượng như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương...; sự phối hợp giữa các ngành về quản lý đăng ký kinh doanh, quản lý lao động, quản lý thu nhập, quản lý đối tượng tham gia BHXH chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến có nhiều kẽ hở để các DN “lách luật”; quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện so với tham gia BHXH bắt buộc còn có sự khác biệt nên dễ tạo ra tâm lý so sánh; công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH gặp nhiều khó khăn do ngành BHXH chưa đủ chức năng, chế tài xử lý vi phạm còn nhiều bất cập…
Báo cáo thêm tại buổi làm việc, bà Trần Thị Hương- Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương cho biết, việc triển khai chính sách, pháp luật BHXH cần mang tính ổn định, bền vững, tạo niềm tin tuyệt đối cho người dân; đồng thời sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp là mấu chốt quan trọng để chính sách BHXH thực sự đi vào cuộc sống.
Cũng theo bà Hương, thông qua việc xác định những nguyên nhân khách quan và chủ quan, BHXH tỉnh Hải Dương đã đề ra những giải pháp trọng tâm, đồng bộ nhằm duy trì, phát triển người tham gia BHXH, BHYT phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Hải Dương cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác CCHC, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, DN tham gia BHXH.
Nhân dịp này, BHXH tỉnh Hải Dương cũng đề nghị, Luật BHXH (sửa đổi) cần tăng chế tài xử lý với các đơn vị SDLĐ cố tình vi phạm pháp luật BHXH; giao cơ quan BHXH được thực hiện chức năng thanh tra đầy đủ các lĩnh vực quản lý (thu, chi BHXH, BHYT). Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp với ngành BHXH tăng cường quản lý nhà nước về BHXH; hướng dẫn cụ thể việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị SDLĐ cố tình chây ỳ, nợ đọng, trốn đóng BHXH...
“Công tác thanh tra, kiểm tra theo Luật BHXH 2014 gặp không ít khó khăn. Quy định chỉ có chức năng thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, mà không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân SDLĐ và các cơ sở KCB BHYT. Trong khi đó, số người thụ hưởng chính sách BHXH ngày càng nhiều”- bà Hương chia sẻ.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Thoa- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội đã đánh giá cao kết quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT tại Hải Dương. "Điều này đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của BHXH tỉnh Hải Dương trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn quốc"- bà Thoa nhấn mạnh.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, giải trình, bà Nguyễn Thị Việt Nga- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã đánh giá cao hiệu quả của buổi làm việc; đồng thời ghi nhận những nỗ lực, kết quả mà BHXH tỉnh Hải Dương đạt được thời gian qua. Bên cạnh đó, bà Nga đề nghị BHXH tỉnh Hải Dương cần tiếp tục chú trọng, quan tâm đặc biệt hơn nữa đến công tác truyền thông để mọi người dân, NLĐ hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH; linh hoạt xử lý những thông tin trái chiều, gây hoang mang đến tâm lý NLĐ.
“Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật, cần tăng cường truyền thông để người dân nhận thức được tham gia BHXH là việc làm thiết thực, từ đó tích cực và chủ động tham gia. Việc sửa đổi Luật BHXH có ảnh hưởng rất lớn đến số đông người dân, nên cần kiến nghị từ cơ sở, đơn vị trực tiếp thực thi pháp luật"- bà Nga nhấn mạnh. Cũng theo bà Nga, những đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn triển khai tại Hải Dương là kênh thông tin quan trọng để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, nghiên cứu để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH tại kỳ họp Quốc hội tới.
Phương Dung-Nguyệt Hà