Nhấn mạnh vai trò của các phương thức thanh toán (PTTT), bà Inke Mathauer- Chuyên gia cao cấp về Tài chính y tế Quản trị hệ thống và Tài chính y tế của WHO tại Thụy Sĩ cho rằng, PTTT sẽ đóng góp quan trọng để trả lời câu hỏi: "Làm cách nào để mua sắm DVYT mang tính chiến lược hơn hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC)?".
Chia sẻ chuyên đề kinh nghiệm quốc tế về phương thức thanh toán (PTTT) KCB BHYT cho đơn vị cung ứng dịch vụ y tế tại hội thảo trực tuyến tham vấn kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và sửa đổi Luật BHYT của BHXH Việt Nam và WHO, bà Inke chỉ rõ một điểm đáng lưu ý trong nguyên tắc mua sắm.
Về mặt khái niệm, có sự phân chia và tách biệt rõ ràng giữa “bên mua” và “bên cung cấp dịch vụ y tế”, bởi họ có những mối quan tâm khác nhau/trái ngược nhau. Trong khi người mua muốn kiểm soát chi tiêu, thì nhà cung cấp muốn tối đa hóa doanh thu/lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế tại một số quốc gia, trong việc cung ứng dịch vụ y tế thì Bộ Y tế thường là người mua và cũng là nhà cung cấp (đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước). Do đó, để đảm bảo sự công bằng, cần tạo sự tách bạch chức năng ngay chính trong nội bộ tổ chức, cũng như thiết lập các hợp đồng (nội bộ)
Về bản chất, mua sắm DVYT và mua sắm hàng hóa có liên quan nhưng không giống nhau. Mua sắm DVYT với người mua (Bộ Y tế, cơ quan BHXH...) sẽ phải chi trả cho nhà cung cấp thông qua một số nguyên tắc riêng. Đó là phải xây dựng PTTT và giá cả; hợp đồng với nhà cung cấp công và tư nhân.
Đặc biệt phân tích một số điểm đặc thù của “mua chiến lược”, chuyên gia này cho rằng, hình thức này là sự liên kết quyết định thanh toán với thông tin về hiệu quả hoạt động của nhà cung cấp và nhu cầu CSSK của người dân. “Sự chủ động, dựa trên bằng chứng của bên mua trong việc xác định gói dịch vụ và số lượng dịch vụ, lựa chọn nhà cung cấp và quyết định cách mua sắm”, bà Inke nhận định.
Các quốc gia ở các mức thu nhập khác nhau đang tìm cách chuyển đổi quá trình mua sắm từ “thụ động” sang “chủ động”. Lý do là: dù việc huy động và tăng nguồn lực cho y tế là quan trọng, nhưng không thể tiến tới bao phủ CSSK toàn dân (UHC) nếu không có sử dụng nguồn lực hiệu quả (tức là không có PTTT hiệu quả).
Người mua phải là người xác định giá và quản lý giá: điều tiết mức chi trả cho dịch vụ và thuốc; kiểm soát chi phí, bao gồm cả kiểm soát số lượng dịch vụ cung cấp. Bên cạnh đó cần thường xuyên xem xét/điều chỉnh PTTT; phân tích các dữ liệu thanh toán để thực hiện các việc trên...
Hiện trên thế giới đang có nhiều PTTT chi phí dịch vụ y tế: Theo khoản mục ngân sách; Ngân sách tổng; Định suất; Phí dịch vụ; Trường hợp bệnh (nhóm chẩn đoán, DRG); Ngày điều trị. "Không có PTTT nào là hoàn hảo. Mỗi cái đều có điểm mạnh và điểm yếu Mỗi cái đều có thể tạo ra những động cơ khuyến khích khác nhau và tác động bất lợi, nhưng tùy thuộc vào mục tiêu của hệ thống y tế, chúng có thể được áp dụng trong bối cảnh phù hợp, và chỉ riêng PTTT là chưa đủ!", bà Inke chia sẻ.
Sẽ là tốt nếu chuyển từ chi trả theo khoản mục ngân sách, và theo phí dịch vụ không có tổng trần thanh toán sang thanh toán theo kết quả đầu ra. Sử dụng các PTTT để tác động đến hành vi của nhà cung cấp (và cách họ sử dụng nguồn tài chính), ví dụ: trả số tiền tương đối cao hơn cho các dịch vụ chăm sóc ban đầu để khuyến khích các nhà cung cấp dvu chăm sóc ban đầu tập trung nhiều hơn vào những dịch vụ này. Ngược lại, trả mức giá tương đối thấp hơn cho các dịch vụ chi phí cao nhưng có mức độ ưu tiên thấp hoặc thuốc có chi phí cao để hạn chế việc cung cấp những dịch vụ...
Các PTTT được điều chỉnh có chủ đích để thiết lập các khuyến khích phù hợp thông qua phối hợp các PTTT (Blended payment), ví dụ: kết hợp định suất và chi trả theo kết quả hoạt động (PBF) hoặc ngân sách tổng và chi trả theo kết quả hoạt động; có chi trả khuyến khích cho việc điều phối giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Song song với đó, để có thể đáp ứng các khuyến khích mà bên trả tiền đưa ra, nhà cung cấp cần có đủ quyền tự chủ về quản lý tài chính, nhưng không phải tự chủ không giới hạn, nhằm cân bằng động cơ lợi nhuận của nhà cung cấp.
Đề cập đến PTTT đang được quan tâm nhất hiện nay là sử dụng Hệ thống thanh toán DRG, bà Inke chỉ rả rằng: Điều này có thể góp phần cải thiện chất lượng, tuy nhiên cần lưu ý, các khuyến khích để cải thiện chất lượng không phải là vốn có của thanh toán theo DRG. Do đó, cần điều chỉnh trong PTTT để có thêm các khuyến khích.
Với câu hỏi: “Làm thế nào để kiểm soát chi tiêu?”, điểm bắt đầu là nên xem xét các mô hình chi tiêu hiện tại và phân tích chúng. “Cần có mức trần chi tiêu tổng thể BHYT, chính phủ không thể can thiệp để bù đắp những khoản thâm hụt khi không có trần. Giả pháp có thể áp dụng là giới hạn số lượng dịch vụ, hoặc giảm thanh toán cho mỗi dịch vụ sau khi đạt được số lượng dịch vụ được xác định trước”, chuyên gia WHO khuyến nghị...
Thái An