Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bản thân Người luôn là tấm gương mẫu mực về đạo đức và nhân cách người đảng viên cộng sản, luôn tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm, hành động; những điều đó đã kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên là sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và Nhân dân”.
Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam dâng hoa tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng ngày 17/5/2024
Trong một buổi tối rét lạnh ở núi rừng Việt Bắc (năm 1947), bên đống lửa hồng, Người trầm ngâm suy nghĩ rồi tâm sự với các cộng sự: "Mình cũng chẳng phải thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người, nhưng với hoàn cảnh này còn điều kiện nào nghĩ tới gia đình... nhưng thôi, gia đình nhỏ chưa thể được, thì ta lo cho gia đình lớn đi vậy". Người nói và chính Người đã tiên phong thực hiện điều này. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, bên cạnh những bài viết, bài nói thể hiện tư tưởng, đường lối cách mạng, thì chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là minh chứng sinh động nhất, dễ thuyết phục nhất cho việc thể hiện tính tiên phong.
Theo Bác, tính tiên phong, gương mẫu không phải là điều gì quá khó hiểu, tiên phong đối với người đảng viên bao hàm từ việc lớn (như chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước, quy định của tập thể) đến những việc bình thường như ăn, ở, mặc, sử dụng phương tiện đi lại... và phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, tự nhiên như cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên khi làm việc với các địa phương: Muốn “nêu gương’ trước hết phải “làm gương”, cán bộ, đảng viên phải là những đầu tàu gương mẫu, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ phải có trách nhiệm tự tu dưỡng để trở thành con người trong sáng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, phải làm gương trong mọi việc từ nhỏ đến lớn.
Người chỉ ra đối tượng tiên phong, gương mẫu trước tiên phải là toàn thể đảng viên của Đảng: "Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo". Người yêu cầu cán bộ, đảng viên "phải làm gương mẫu trong lao động sản xuất và trong học tập"; "phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân"; "phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho Nhân dân".
Không chỉ nói về việc nêu gương của cán bộ đảng viên nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh những cán bộ chủ chốt, cấp cao, những người đứng đầu cần phải tiên phong trong việc nêu gương; chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng cần phải nêu gương về phẩm chất chính tri, đạo đức lối sống, phong cách làm việc, học tập sinh hoạt trước cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Người thường căn dặn cán bộ nòng cốt, cốt cán “đã hứa là phải thực hiện”, “nói thì phải làm”, phải thật thà với quần chúng, với Nhân dân, “mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được… Miệng nói tay phải làm mới được” .
Chủ tịch Hồ Chí minh luôn nhấn mạnh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”. Việc nêu gương phải thực hiện cả đối với bản thân mình, đối với người và đối với công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phương pháp nêu gương. Người từng chỉ đạo: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Người chỉ rõ, người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có, ngành nào cũng có, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Người chỉ rõ: để mọi người noi gương thì bản thân cán bộ, đảng viên phải là “người tốt, việc tốt”, phải là “tấm gương tốt” về mọi mặt trong đời sống xã hội và trong công tác, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
“Nêu gương” theo Người là phương pháp tốt nhất vận động quần chúng, thuyết phục quần chúng, tập hợp quần chúng làm cách mạng. Quần chúng nhìn cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước, phấn đấu hy sinh vì mục tiêu cách mạng cao cả, họ sẽ tự giác nghe theo, tin và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm đắc: “Đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, thì một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Sinh hoạt chuyên đề về tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về lý luận chính trị. Người dạy: “... mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”.
Không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm đúng đắn về nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương sáng ngời, là biểu hiện mẫu mực, sinh động, cụ thể của sự tiên phong, gương mẫu, sự thống nhất giữa lời nói với hành động, việc làm. Người kiên trì nêu gương về đạo đức còn nhiều hơn những gì người viết ra.
Trong Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người cho rằng, nếu mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu làm tròn nhiệm vụ của mình, tức là làm đầu tàu trong mọi công việc, thì công việc dù khó làm mấy cũng làm nên, kế hoạch to mấy cũng hoàn thành tốt.
Để việc nêu gương đạt kết quả thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Năm 1969, trước khi đi xa, Người góp ý cho các đồng chí ngành văn hóa tuyển chọn những gương tốt tiêu biểu để xuất bản thành sách "Người tốt, Việc tốt". Bác nhấn mạnh rằng, cần nêu gương những người có những hành động bình thường mà anh hùng, xứng đáng được học tập, tôn vinh, ai ai cũng có thể làm theo.
Khi nói về Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Bao trùm lên tất cả ở Hồ Chí Minh là sự quên mình vì mọi người, chính là sự ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc của Người là làm sao mang lại thật nhiều hạnh phúc cho dân, cho nước. Cuộc sống hoàn toàn không chút bợn riêng tư, đã tạo nên ở Người một cái gì vô cùng trong sáng”.
Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần thấm nhuần, phát huy trách nhiệm nêu gương theo tấm gương tiêu biểu, mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.
Đào Đình Xuân- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam