Đến hết ngày 31/12/2023, ước tổng tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Quảng Trị là 33,7 tỷ đồng (chiếm 1,94%) kế hoạch- thấp hơn chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ được giao.
Trước số lượng DN chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ cũng như tác động tiêu cực đến an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH tỉnh Quảng Trị đã có biện pháp cứng rắn đối với DN cố tình chây ỳ, chậm đóng BHXH cho NLĐ.
Theo đó, trong năm 2023, BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh kiểm tra 130 đơn vị SDLĐ. Qua đó, đã xử lý thu hồi 2 tỷ đồng tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN tại 63 đơn vị SDLĐ; lập biên bản vi phạm hành chính tại 6 đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lớn, kéo dài với tổng số tiền chậm đóng 6,8 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan BHXH cũng ban hành và tham mưu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 đơn vị SDLĐ với tổng số tiền 364,4 triệu đồng; yêu cầu 13 đơn vị SDLĐ thực hiện đăng ký tham gia, truy đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 33 NLĐ với tổng số tiền trên 97 triệu đồng.
Điển hình, cuối tháng 7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Công trình 793 (phường Đông Lễ, TP.Đông Hà) vì có hành vi chậm đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Theo đó, tính đến ngày 30/6/2023, công ty chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp với số tiền trên 3,62 tỉ đồng, chậm đóng BHYT của 58 NLĐ với số tiền gần 36 triệu đồng (chưa bao gồm tiền lãi do chậm đóng). Tính đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính (ngày 10/7/2023), số tiền chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp tính đến ngày 30/6/2023 là gần 3,56 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền lãi do chậm đóng). Đồng thời, công ty đã khắc phục chuyển nộp đủ số tiền chậm đóng BHYT tính đến ngày 30/6/2023 cho 58 NLĐ nêu trên. Căn cứ các hành vi vi phạm hành chính và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phạt Công ty Cổ phần Công trình 793 số tiền 165 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty buộc phải đóng đủ số tiền BHXH cho cơ quan BHXH tính đến hết ngày 30/6/2023 là gần 3,56 tỉ đồng và nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính đến hết ngày 30/6/2023 với số tiền gần 700 triệu đồng. Hiện công ty đã nộp tiền xử phạt hành chính, song số tiền chậm đóng BHXH, BHYT thì vẫn chưa thanh toán. BHXH tỉnh đã tiến hành thủ tục cưỡng chế nhưng tài khoản của công ty tại các ngân hàng đều không có tiền nên đơn vị gặp khó khăn trong việc thu hồi khoản tiền trên.
Tháng 11/2023, Đoàn Giám sát do LĐLĐ tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện kế hoạch thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh tại 2 huyện Hải Lăng, Triệu Phong. Qua giám sát cho thấy, huyện Hải Lăng có 89/154 DN đang hoạt động đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 2.729/4.200 lao động; huyện Triệu Phong có 75/209 DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 1.684/1.882 lao động. Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tham gia BHXH cho NLĐ còn thấp là do các DN đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng ít lao động (DN dưới 10 lao động chiếm từ 77%-88%). Nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đã ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thực hiện chế độ, chính sách với NLĐ.
Đây cũng là thực trạng chung của DN trên địa bàn tỉnh, các DN đều có điểm chung là ít lao động, quan hệ lao động chưa được xác lập đúng với quy định của Bộ luật Lao động. Có trường hợp DN ký HĐLĐ không đúng quy định, thậm chí không ký HĐLĐ đối với người làm công như quy định. Ngoài ra, một số DN do thành viên trong gia đình trực tiếp lao động nên không nhận thức được đầy đủ quyền lợi lâu dài; nhiều DN đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, không làm thủ tục giải thể.
Đáng chú ý, các DN chậm đóng BHXH thường có lý do là việc kinh doanh không thuận lợi, nhiều loại chi phí tăng cao nên gặp khó khăn trong việc đóng BHXH, BHYT cho NLĐ… Bên cạnh đó, cũng có một số DN cố tình chiếm dụng tiền BHXH, chậm trễ thanh toán tiền BHXH trong khi nhận thức của NLĐ về BHXH chưa cao; NLĐ do sợ mất việc làm và vì lợi ích trước mắt nên không dám đấu tranh, thậm chí thỏa hiệp, thống nhất với DN không đóng BHXH như quy định. Như vậy, với việc chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của đơn vị SDLĐ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ, nhất là khi ốm đau, thai sản, TNLĐ hoặc một số lao động không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ khi cần.
Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT của đơn vị SDLĐ trong đó có doanh nghiệp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị các cấp. Song với trách nhiệm của mình, BHXH tỉnh tiếp tục hơn nữa phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị SDLĐ và nhận thức của NLĐ về BHXH, BHYT; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để đôn đốc, nhắc nhở DN, nhất là DN chậm đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên, DN chưa đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT kéo dài…
Nguyệt Hà