Những khó khăn của nền kinh tế năm 2024 đang bộc lộ, khi bình quân mỗi tháng đầu năm có hơn 20,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng có tới gần 31,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường...
Kết quả thống kê được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay cho thấy, trong tháng Hai, cả nước có gần 8,6 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 67,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 50,9 nghìn lao động. Con số này đã giảm 36,5% về số DN, giảm 55,6% về vốn đăng ký và giảm 50,8% về số lao động so với tháng 1/2024. So với cùng kỳ năm trước, giảm 2,8% về số DN, tăng 2,6% về số vốn đăng ký và giảm 0,3% về số lao động. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 5,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 61,3% so với tháng trước và tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 22,1 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 218,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 154,3 nghìn lao động. Mặc dù đã tăng 12,4% về số DN, tăng 32,8% về vốn đăng ký và tăng 29% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có gần 19 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2024 lên gần 41,1 nghìn DN, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mặc dù số DN thành lập mới có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ năm trước, nhưng số DN rút lui khỏi thị trường cũng đang tăng đáng kể. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 49,3 nghìn DN, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước; 10 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,5%; gần 3,7 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5%. Theo tính toán, bình quân một tháng có hơn 20,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động; nhưng bình quân một tháng lại có gần 31,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường...
Mặc dù vậy, vẫn còn một số điểm tích cực của nền kinh tế thể hiện qua sự triển vọng sản xuất kinh doanh mà các DN đang nỗ lực duy trì. Với sản xuất công nghiệp, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nằm tháng 02/2024, nên sản xuất ước tính giảm 18% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%.
Số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng khá tích cực khi tính chung 2 tháng đầu năm 2024 đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 35,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,0% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%).
Nhằm thúc đẩy đà phát triển của nền kinh tế, vốn đầu tư từ nguồn NSNN trong tháng Hai được các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 8,4% kế hoạch, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước...
Tháng 2/2024 là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,84%.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,11%; giá dịch vụ KCB không biến động so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số mặt hàng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm, thuốc dùng cho đường hô hấp tăng giá khi thời tiết chuyển mùa nồm ẩm tại một số địa phương miền Bắc.
Thái An