Thành công nhất trong thực hiện BHXH, BHYT là sự thay đổi hằng ngày, hằng giờ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và người dân về chính sách BHXH, BHYT. Sự thay đổi này rất quan trọng, là yếu tố then chốt tạo nên những thành công trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong những năm qua. Phóng viên Tạp chí BHXH đã phỏng vấn ông Thạch Phước Bình- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh về vấn đề này.
* PV: Hai năm qua, dù phải chịu nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước đảm bảo. Thông qua hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng?
- Ông Thạch Phước Bình:
Vai trò của chính sách an sinh xã hội chính là trợ giúp, giúp đỡ toàn xã hội và các cá nhân gặp phải rủi ro hoặc biến cố xã hội để đảm bảo mức sống tối thiểu và nâng cao đời sống của họ. Trong đó, chính sách BHXH, BHYT được đánh giá là 2 trụ cột chính và trở thành lưới an sinh quan trọng, hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro như: Ốm đau, TNLĐ-BNN, thai sản, thất nghiệp, hết tuổi lao động...; hay như BHYT giúp miễn hoặc giảm chi trực tiếp từ tiền túi của cá nhân, gia đình cho dịch vụ y tế nếu chẳng may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn…, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội.
Ông Thạch Phước Bình- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Trong 2 năm qua, dù phải chịu nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước đảm bảo. Cụ thể, sau chặng đường 5 năm tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHXH đã có những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như người dân. Điều đó góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống, với diện bao phủ được mở rộng, tạo động lực trong việc chăm lo an sinh xã hội tới mỗi người dân, NLĐ.
Ngay sau khi Nghị quyết số 28 được ban hành, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương và Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28. Điều này tiếp tục khẳng định, việc đảm bảo an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Đồng thời, cũng khẳng định chính sách BHXH có vai trò quan trọng trong công tác chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội...
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2022. Theo đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đánh giá, năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành việc thực hiện, chi trả các chính sách, chế độ do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành để hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhằm giảm bớt khó khăn, hỗ trợ duy trì và phục hồi.
Đến hết năm 2022, tổng số đối tượng tham gia BHXH chiếm 38,01% lực lượng lao động trong độ tuổi và gấp 2,6 lần số người tăng thêm của năm 2021. Trong đó, về BHXH bắt buộc có 16.038.080 người tham gia, chiếm 91,65% tổng số người tham gia BHXH và chiếm xấp xỉ 34,83% lực lượng lao động trong độ tuổi; về BHXH tự nguyện có 1.462.083 người tham gia, chiếm 8,35% tổng số người tham gia BHXH và bằng 3,17% lực lượng lao động trong độ tuổi; về BH thất nghiệp có 14.330.029 người tham gia, chiếm 31,13% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Riêng đối với tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 tại địa phương và đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT thành các chỉ tiêu pháp lệnh trong phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Nhờ đó, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của Trà Vinh đạt chỉ tiêu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Cụ thể: Năm 2021, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 102,94% và BHYT đạt 100,7% chỉ tiêu được giao; năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 106,99% và BHYT đạt 102,27% chỉ tiêu được giao. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 150.139 người tham gia BHXH, chiếm 28,87% lực lượng lao động, đạt 132,94% chỉ tiêu UBND tỉnh giao; BHYT có 947.031 người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 92,89% dân số và đạt 97,98% chỉ tiêu UBND tỉnh giao…
Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định, thành công nhất trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cho đến đông đảo người dân về chính sách BHXH, BHYT. Sự thay đổi này rất quan trọng, là yếu tố then chốt tạo nên những thành công trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua.
* Theo đánh giá của cơ quan BHXH, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn đạt kết quả tốt. Bên cạnh sự nỗ lực của tập thể CBVC trong đơn vị, BHXH tỉnh Trà Vinh cũng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt là sự quan tâm sát sao của Đoàn ĐBQH tỉnh. Ý kiến của ông về nhận định này thế nào?
- Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm đến chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh như đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị; đặc biệt đã thống nhất chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương đối với người tham gia BHYT.
Ông Thạch Phước Bình phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh với các sở, ngành liên quan về BHXH, BHYT
Cụ thể, Nghị quyết số 93/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 quy định hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho cán bộ không chuyên trách ở ấp, khóm; Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 9/11/2020 quy định hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% mức đóng, ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng); hỗ trợ 40% mức đóng BHYT cho HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh (ngân sách Trung ương hỗ trợ 30% mức đóng, ngân sách địa phương hỗ trợ 10% mức đóng); hỗ trợ 50% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (ngân sách Trung ương hỗ trợ 30% mức đóng, ngân sách địa phương hỗ trợ 20% mức đóng).
Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 quy định hỗ trợ 100% mức đóng BHYT và BHXH tự nguyện cho lực lượng dân quân thường trực; Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 quy định hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT cho nhóm đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, bao gồm người mắc bệnh ung thư, người chạy thận nhân tạo, nang tủy thận, người đã phẫu thuật tim, người đã được ghép các cơ quan (ghép gan, ghép thận, ghép tim, ghép tủy, nuôi và ghép sọ não) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình; đối tượng người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Hay như Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 quy định hỗ trợ 100% mức chi phí mua thẻ BHYT cho người có uy tín trong đồng bào DTTS có tên trong danh sách được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chưa có thẻ BHYT và không thuộc nhóm đối tượng đã được NSNN đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 quy định hỗ trợ 100% mức chi phí mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, thoát nghèo vượt chuẩn cận nghèo cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh…
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan phối hợp với cơ quan BHXH triển khai đồng bộ giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; hạn chế số tiền chậm đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị sản xuất kinh doanh. Vì vậy, dù kinh tế-xã hội còn khó khăn, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, nhưng số người tham gia BHXH, BHYT vẫn luôn tăng.
Với Trà Vinh, trong thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn dành sự quan tâm sát sao đến lĩnh vực BHXH, BHYT của tỉnh- thông qua hoạt động giám sát, làm việc trực tiếp với ngành BHXH để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý của ngành tại địa phương. Từ đó, kịp thời báo cáo, đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực BHXH, BHYT tại các Kỳ họp Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu đối với Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Các vị ĐBQH đã đóng góp rất nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật, góp phần lan tỏa chính sách BHXH, BHYT trong xã hội. Có thể khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHXH, BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Trong đó, đã đề xuất một số giải pháp để hạn chế việc rút BHXH một lần, giảm thời gian đóng-hưởng BHXH, bổ sung chế độ hưu trí xã hội…
Thời gian tới, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn tiếp tục cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
* Dù ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, song tình trạng chậm, nợ BHXH, BHYT vẫn diễn ra, đặc biệt tại các DN ngoài quốc doanh. Theo ông, những đề xuất trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về xử lý đơn vị chậm, nợ BHXH liệu có khả thi, giúp kéo giảm tình trạng này?
- Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước. Các DN gặp rất nhiều khó khăn làm suy giảm khả năng thanh toán và mất cân đối dòng tiền, dẫn đến chậm đóng BHXH, BHYT. Trước tình hình đó, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn nỗ lực kiểm soát, đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng.
Đặc biệt, BHXH các địa phương, trong đó có BHXH tỉnh Trà Vinh phải thường xuyên bám sát, tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện triệt để các giải pháp, để thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT một cách hiệu quả nhất, kịp thời nhất như: Chủ động xây dựng kịch bản linh hoạt, phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan... bám sát, đôn đốc DN nộp đủ số tiền phát sinh trong tháng và số tiền chậm đóng tháng trước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT... Nhờ đó, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT tại các DN có chiều hướng giảm.
Với các biện pháp trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này sẽ góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, Dự thảo đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo pháp luật BHXH được tuân thủ nghiêm. Cụ thể, Điều 44 của Dự thảo quy định nộp số tiền phạt tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền phạt chậm nộp thuế); cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra tòa; khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ…
Như vậy, có thể nói, việc sửa đổi Luật BHXH lần này sẽ hoàn thiện tính pháp lý, nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của NLĐ.
* Thông qua tiếp xúc cử tri cũng như giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT hằng năm, ông đánh giá thế nào về công tác phục vụ nhân dân của BHXH Việt Nam nói chung, BHXH tỉnh Trà Vinh nói riêng?
- Qua tiếp xúc cử tri cũng như thực tế giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT hằng năm của Chính phủ, tôi đánh giá cao sự chuyển đổi tác phong của đội ngũ CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam nói chung, BHXH tỉnh Trà Vinh nói riêng. Khẳng định ngành BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh Trà Vinh đã thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi tác phong phục vụ người dân, DN; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ; phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…
Các nội dung này đã được tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả cao, nhất là mang lại lợi ích cho toàn xã hội và được xã hội đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, tôi đánh giá cao Bộ Quy tắc ứng xử của BHXH Việt Nam (theo Quyết định số 889/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 và Chỉ thị số 3677/CT-BHXH ngày 20/9/2018 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách TTHC, thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam). Đây chính là thước đo, là chuẩn mực để các CCVC, NLĐ tự soi, tự sửa, phấn đấu chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc, hướng tới sự hài lòng của người dân và DN, bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm.
Trong hoạt động chuyển đổi số, BHXH Việt Nam cũng được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng CNTT, dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đối số. BHXH tỉnh Trà Vinh cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2022, trong đó đã triển khai hiệu quả các DVC trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết TTHC trên Cổng DVC quốc gia.
Hiện nay, BHXH Việt Nam nói chung và BHXH tỉnh Trà Vinh nói riêng đã hoàn thành việc cung cấp các DVC mức độ 4 cho tất cả các TTHC của Ngành, đưa vào sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số với quan điểm “Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”. Tôi tin ngành BHXH Việt Nam sẽ phát huy tối đa nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có, vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được kết quả tốt nhất, hướng đến sự hài lòng của người dân và DN, góp phần quan trọng vào sự thành công của chính sách an sinh xã hội.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyệt Hà (Thực hiện)