Sáng 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện DN nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội DN.
Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, hiện nay, cả nước có hơn 930.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 HTX và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã có hơn 183.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc gặp mặt được tổ chức để tri ân, vinh danh các DN, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi giới Công Thương Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “…Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hằng năm đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam (theo Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ), với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến khích phát triển, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam đối với sự thịnh vượng của đất nước vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng, hoan nghênh, chào đón các doanh nhân Việt Nam- những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, DN. “Nếu không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các DN, doanh nhân nói riêng. Đặc biệt, góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ KH-ĐT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để trình ban hành Thông báo kết luận của Hội nghị, nhằm kịp thời xử lý, giải quyết kiến nghị của các DN, doanh nhân; cũng như giao các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho đất nước và cho đội ngũ DN, doanh nhân.
“Chúng ta rất vui mừng, tin tưởng và tự hào về doanh nhân, DN Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta”- Thủ tướng chia sẻ. Đồng thời, bày tỏ mong muốn đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết thêm, từ Đại hội IX, Đảng đã đề cập đến vai trò của các DN Việt Nam. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò của DN, doanh nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ luôn bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho DN, doanh nhân phát triển. Đội ngũ DN, doanh nhân cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng tiến bộ, đóng góp cho đất nước, cho nhân dân.
Thủ tướng cũng nêu một số điểm sáng phát triển, vươn mình mạnh mẽ và đóng góp của các DN, doanh nhân Việt Nam. Đáng chú ý, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số DN thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời, các DN, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không chỉ trong nước mà nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Cùng với đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên, cộng đồng DN, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho NLĐ, sinh kế cho người dân; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đội ngũ doanh nhân, DN, các hiệp hội DN đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua. Về nhiệm vụ thời gian tới, theo Thủ tướng, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể: Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho DN, doanh nhân; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các DN nói riêng; hoàn thiện mô hình quản trị DN hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-dân sự; xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.
Theo Thủ tướng, tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các DN, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong: Tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực); tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiên phong xây dựng quản trị DN hiện đại, góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ; tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không bỏ ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện.
PV