Sáng 2/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính- Trưởng BCĐ quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (BCĐ COP26) chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của BCĐ. Cùng tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà- Phó Trưởng BCĐ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Phiên họp diễn ra trong khi cả hệ thống chính trị đang đoàn kết, cùng nhau nỗ lực cao nhất để khắc phục hậu quả thảm khốc về người, tài sản mà cơn bão Yagi và hoàn lưu của nó gây ra cho nhiều địa phương.
Theo Thủ tướng, diễn biến và thiệt hại khủng khiếp mà bão Yagi gây ra là minh chứng rõ ràng, cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng tính cực đoan của thiên tai, khiến các trận thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, gây hậu quả nặng nề hơn. Thực tế này đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc phải nỗ lực nhiều hơn nữa, hành động nhanh hơn nữa để ứng phó với biển đổi khí hậu, trong đó có thực hiện các cam kết giảm phát thải.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu BCĐ cần thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm việc có trọng tâm trọng điểm, với tinh thần "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm và kết quả); xác định những thách thức, từ bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, thống nhất quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 trong thời gian qua và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; Báo cáo và tham luận của một số bộ, ngành, cơ quan về việc triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.
Đồng thời, tập trung đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, nhất là kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Phiên họp thứ 4 của BCĐ, kết quả thực hiện JETP (Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng) và AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á)…; các khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả các cam kết tại COP26, nhất là cho ý kiến về việc sửa đổi khung pháp lý tạo thuận lợi cho đầu tư vào chuyển đổi năng lượng.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng lớn, khắc phục mất nhiều công sức, tiền của; ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách mà không nước nào có thể tự làm một mình. Góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng là việc không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc và làm phải có hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Do đó, cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thực hiện các cam kết COP26.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư là rất quan trọng.
Ngoài ra, phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; mọi chính sách phải hướng tới người dân và DN, người dân và DN tích cực tham gia, thực hiện và hưởng thụ thành quả; vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.
Hà Thủy