Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, năm 2024, toàn quốc phấn đấu tiếp nhận khoảng 1,6 triệu đơn vị máu; tỷ lệ người hiến máu tình nguyện là 99%; tỷ lệ người hiến máu nhắc lại trên 60%; tỷ lệ dân số hiến máu tương đương 1,6%.
Ngày 12/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2023. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Trong năm 2023, nhiều chiến dịch vận động hiến máu lớn đã được tổ chức có hiệu quả, thiết thực, thu hút hàng triệu lượt người tham gia, mang lại cảm xúc tích cực trong xã hội, lan tỏa trong cộng đồng".
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người giai đoạn 2024-2027.
Theo đó, lực lượng hiến máu tình nguyện ngày càng đông đảo, đa dạng. Nhiều hoạt động đã, đang được tổ chức, tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong phong trào hiến máu tình nguyện như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết; Lễ hội Xuân hồng đã vận động và tiếp nhận được 294.138 đơn vị máu; Chiến dịch "Những giọt máu hồng Hè" và "Hành trình Đỏ" đã vận động và tiếp nhận gần 548.381 đơn vị máu; và nhiều sự kiện hiến máu lớn khác như: Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), Ngày Quốc tế Người hiến máu (14/6).
"Điều này thực sự mang lại hình ảnh đẹp trong cuộc sống cộng đồng, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân, nhất là trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; góp phần giáo dục, lan tỏa lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ"- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, tính đến nay, cả nước đã thành lập được 4.530 CLB hiến máu với 153.170 thành viên tham gia như: CLB hiến máu dự bị, CLB 25, CLB máu hiếm, CLB gia đình hiến máu, CLB vận động hiến máu tình nguyện... Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh sâu rộng qua việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, chăm sóc người hiến máu tình nguyện tiếp tục mở rộng. Đối tượng tham gia hiến máu tình nguyện là CBCC, lực lượng vũ trang, NLĐ, các tăng ni, phật tử và chức sắc tôn giáo... nên đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức, quan niệm của người dân về hiến máu tình nguyện. Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức được 5.598 buổi tuyên truyền, vận động về hiến máu tình nguyện với trên 1,4 triệu lượt người tham dự, đã có 13.510 cán bộ, hội viên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ được đào tạo, tập huấn về công tác vận động, huy động nguồn lực hiến máu nhân đạo.
Lễ ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam
Thay mặt Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan gửi lời cảm các cơ quan, ban ngành, Hội Chữ thập đỏ, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp và những người đã tham gia tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện để giúp cho công tác KCB.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của phong trào hiến máu tình nguyện. Theo đó, một vài thời điểm hoạt động tiếp nhận máu còn bị gián đoạn do thiếu túi máu cục bộ; nhân lực chuyên trách công tác vận động hiến máu tại một số địa phương còn khó khăn, kinh nghiệm còn hạn chế; công tác phối hợp trong xây dựng kế hoạch vận động, tiếp nhận máu ở một số nơi còn chưa nhịp nhàng.
Theo kế hoạch, năm 2024, toàn quốc phấn đấu tiếp nhận khoảng 1,6 triệu đơn vị máu; tỷ lệ người hiến máu tình nguyện là 99%; tỷ lệ người hiến máu nhắc lại trên 60%; tỷ lệ dân số hiến máu tương đương là 1,6%. Để đạt được chỉ tiêu này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các tập thể, cá nhân cần thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt, cần đa dạng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để hoạt động hiến máu tình nguyện được mở rộng hơn, lan tỏa hơn...
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý KCB là đầu mối để tiếp thu, rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến công tác hiến máu tình nguyện; tích cực triển khai các giải pháp để tích cực ứng dụng CNTT trong hoạt động hiến máu tình nguyện.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đã tặng Bằng khen cho 45 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện năm 2023.
Hà Hùng