Chiều 3/10, Văn phòng Trung ương Đảng có Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Theo đó, buổi sáng, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, NSNN năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm 2024-2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.
Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc Hội nghị (sáng 2/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đánh giá, nhận định về kinh tế-xã hội, NSNN năm 2023-2024. Theo Tổng Bí thư, việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế-xã hội, NSNN năm 2023-2024 được đặt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo, đã ảnh hưởng tiêu cực, rất nặng nề đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.
Trong khi đó, ở trong nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đối với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta; và những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu thật kỹ Tờ trình và các Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ; tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện.
Chú ý đến những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài; thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của NLĐ trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của DN bị bào mòn sau đại dịch Covid-19; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện nghiêm minh; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp...
“Từ đó, xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024, trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Quang Vượng