Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về sự lây lan ngày càng tăng của cúm gia cầm- Cúm A (H5N1) sang các loài mới, bao gồm cả con người.
Đợt bùng phát Cúm A (H5N1) bắt đầu vào năm 2020, đã dẫn đến việc hàng chục triệu gia cầm tử vong. Đáng lo ngại là không chỉ các loài chim hoang dã, mà động vật có vú trên đất liền và sinh vật dưới biển cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Thậm chí, bò và dê đã lọt vào danh sách này vào tháng trước- theo các chuyên gia, đây là một diễn biến đáng ngạc nhiên bởi trước giờ hai loài vật này không dễ nhiễm cúm. “Cúm A (H5N1) có thể nói, đã trở thành “đại dịch cúm có nguồn gốc từ động vật trên toàn cầu”. Mối lo ngại lớn nhất là đại dịch lây nhiễm từ gia cầm sang động vật có vú, phát triển khả năng lây nhiễm sang con người và sau đó là nguy cơ truyền từ người sang người một cách nghiêm trọng, khó có thể kiểm soát. Tất nhiên, đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy Cúm A (H5N1) lây lan từ người sang người. Nhưng nếu khả năng này xảy ra, thì tỷ lệ tử vong ở người sẽ cực kỳ cao”- đại diện WHO khuyến cáo.
Từ đầu năm đến ngày 1/4/2024, WHO cho biết, đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong số 889 ca nhiễm Cúm A (H5N1) ở người trên 23 quốc gia, đưa tỷ lệ tử vong trong ca bệnh lên 52%. Trong một diễn biến đáng lo ngại, chính quyền Mỹ vào đầu tháng 4/2024 công bố, một người dân ở Texas đã bị chẩn đoán dương tính với Cúm A (H5N1) sau khi tiếp xúc với bò sữa. Đây là trường hợp thứ 2 có kết quả xét nghiệm ở người dương tính với Cúm A (H5N1) ở quốc gia này và là ca nhiễm Cúm A (H5N1) đầu tiên ở người do tiếp xúc với động vật có vú bị nhiễm cúm.
“Khi Cúm A (H5N1) xâm lấn quần thể động vật có vú, thì chúng sẽ tiến gần hơn đến con người”- đại diện WHO cảnh báo- “Loại virus này chỉ đang tìm kiếm “vật chủ” mới, đó là điều cần thực sự quan tâm. Hệ thống y tế của các quốc gia cần tăng cường giám sát, đồng thời, kiểm soát số lượng các ca Cúm A (H5N1) ở người. Hiện các chuyên gia vẫn đang nỗ lực nghiên cứu vắc-xin và các phương pháp điều trị, chẩn đoán Cúm A (H5N1). Các cơ quan y tế khu vực và quốc gia trên toàn thế giới cần nâng cao khả năng chẩn đoán virus. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất, Cúm A (H5N1) truyền từ người sang người thì thế giới đã ở trong “tư thế” phản ứng kịp thời".
Tùng Anh (Theo WHO)