Sáng 16/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với Bộ TN-MT và một số bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định là ngày 1/1/2025). Điều này đòi hỏi các bộ, ngành nỗ lực, quyết tâm rất lớn, nhưng phải thực hiện đầy đủ các bước của quy trình xây dựng văn bản pháp luật. “Xây dựng các văn bản pháp luật là một trong những ưu tiên cao nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết, Bộ TN-MT đã chủ trì soạn thảo 6 nghị định và 4 thông tư. Trong đó, với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai gồm có 10 chương, 115 điều quy định chi tiết 51 nội dung được giao trong Luật, tập trung vào quy định chung; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức bộ máy của tổ chức đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; chế độ sử dụng đất; theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai; giải quyết tranh chấp đất đai, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai.
Bộ TN-MT cũng đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để cho ý kiến về Nghị định; đồng thời lấy ý kiến các sở, ngành liên quan tại 63 tỉnh, thành phố; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa hồ sơ và nộp Bộ Tư pháp đối với Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định quy định về hoạt động lấn biển.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, Bộ TN-MT đã thực hiện chủ động, kịp thời, đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ TN-MT cần tiếp tục làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau về phạm vi, đối tượng, chính sách thực thi; khẩn trương lấy ý kiến địa phương, DN, tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội… đối với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định giá đất; xây dựng, ban hành theo thủ tục rút gọn đối với Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…
Liên quan tiến độ xây dựng dự thảo 2 nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cần có chính sách, công cụ tài chính xử lý các diện tích đất chưa hoặc chậm đưa vào sử dụng, đất nông lâm trường, chống đầu cơ đất đai…
Liên quan những nội dung mới, vấn đề phát sinh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, cũng như xây dựng nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT nỗ lực bảo đảm trình dự thảo nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa đúng thời hạn, quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền, cải cách TTHC, đưa ra các điều kiện, tiêu chí giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về đất lâm nghiệp, đất trồng lúa.
Theo Phó Thủ tướng, quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 phải quán triệt tinh thần “từ sớm, từ xa”; giải quyết dứt điểm những vấn đề còn ý kiến, tư duy khác nhau nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trước khi trình lên cấp thẩm quyền xem xét, cho ý kiến. Trong đó, các văn bản pháp luật do mỗi bộ, ngành chịu trách nhiệm xây dựng phải thể hiện được mối quan hệ gắn bó hữu cơ, thực hiện mục tiêu xuyên suốt đặt ra trong Luật Đất đai 2024 và đồng bộ, thống nhất với pháp luật khác có liên quan; cũng như mang tính bao quát, kế thừa những giá trị, quy định đúng đắn đã được khẳng định trong thực tiễn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ TN-MT phối hợp, khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép Luật Đất đai 2024, có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024. Còn Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, để kịp thời có hiệu lực đồng bộ với Luật Đất đai 2024 vào ngày 1/7/2024.
PV