Tăng nhãn áp (TNA) là tên gọi khác của bệnh cườm nước, glocom hay thiên đầu thống là một trong những bệnh về mắt nguy hiểm xảy ra do sự tích tụ của thủy dịch trong mắt, làm tăng áp suất trong nhãn cầu quá mức. Bệnh tăng nhãn áp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương dây thần kinh thị giác ở đáy mắt, khiến thị lực giảm sút nhanh chóng, thậm chí mù lòa vĩnh viễn.
Trong giai đoạn đầu, triệu chứng TNA thường không rõ rệt khiến nhiều người không biết là mình mắc bệnh. Bệnh tiến triển âm thầm và nặng dần theo thời gian, đến khi phát hiện thì thị lực đã giảm đi nhiều kèm theo những biểu hiện điển hình như: Nhìn mờ, nhìn thấy quầng sáng hoặc hào quang tỏa tròn như cầu vồng khi nhìn vào bóng đèn; đau nhức trong hốc mắt, đau đầu; mắt sưng và đỏ; cảm giác mắt căng cứng như hòn bi khi sờ vào. Người bị TNA cũng có triệu chứng buồn nôn, nôn; nhạy cảm hơn với ánh sáng và âm thanh mạnh.
Nguyên nhân chính gây TNA là do kênh thoát thủy dịch của mắt bị tắc nghẽn hoặc cũng có thể do mắt sản xuất dư thừa thủy dịch. Một số yếu tố nguy cơ làm khởi phát và thúc đẩy bệnh tiến triển như tuổi cao hoặc di truyền. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người từ 60 tuổi trở lên và/hoặc tiền sử trong gia đình có người thân bị TNA. Những người mắc bệnh mạn tính như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim mạch…nguy cơ mắc bệnh TNA khá cao. Việc lạm dụng kéo dài thuốc Corticoid cũng gây TNA…
Tùy vào biểu hiện, mức độ bệnh, TNA được chia thành những loại sau:
TNA góc mở: Là dạng phổ biến nhất xảy ra khi góc thoát thủy dịch vẫn mở nhưng kênh thoát thủy dịch bị tắc khiến thủy dịch thoát chậm. Bệnh tiến triển từ từ và ít biểu hiện ở thời gian đầu.
TNA góc đóng: Là dạng bệnh cấp tính, ít gặp hơn và nguy hiểm hơn glocom góc mở do góc thoát thủy dịch bị tắc hoàn toàn, nhãn áp tăng nhanh và xuất hiện triệu chứng rầm rộ, nguy cơ mất thị lực cao nếu không xử trí kịp thời.
TNA sắc tố: Bệnh thường gặp ở trẻ em và người bị cận thị do tế bào ở mống mắt bị vỡ khiến các hạt sắc tố tích tụ trong kênh thủy dịch và gây tắc nghẽn.
TNA bẩm sinh: Do bất thường trong quá trình phát triển cấu trúc mắt khi còn trong bào thai.
TNA thứ phát: Bệnh tiến triển sau khi mắc một số bệnh mắt như viêm màng bồ đào, tiểu đường, phẫu thuật mắt…
Hiện nay, bệnh TNA được chẩn đoán thông qua việc đo nhãn áp, đo độ dày của giác mạc; kiểm tra góc thoát thủy dịch của mắt. Soi đáy mắt để đánh giá tổn thương dây thần kinh thị giác hoặc kiểm tra trường thị giác tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để phát hiện sớm TNA và có hướng điều trị kịp thời.
Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc điều trị TNA mà các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyên dùng cho người bị bệnh. Một số thuốc tra mắt đang dùng điều trị TNA hiện nay:
Các chất tương tự Prostaglandin có tác dụng tăng thoát thủy dịch qua màng bồ đào củng mạc thay vì thay đổi đường thoát thông thường qua bè củng giác mạc như Bimatoprost, Latanoprost, Tafluprost, Travoprost…
Thuốc chẹn beta có tác dụng giảm sản xuất thủy dịch nhưng không ảnh hưởng tới kích thước đồng tử như: Timolol, Betaxolol, Carteolol, Levobetaxolol, Levobunolol, Metipranolol… Tác dụng phụ thuốc chẹn beta gây ra triệu chứng huyết áp thấp, khó thở, làm nhịp tim chậm hơn so với bình thường, giảm ham muốn về tình dục, người bệnh sẽ thấy phiền muộn và mệt mỏi hơn. Bệnh nhân nên nhắm mắt sau khi nhỏ thuốc thì sẽ giảm thiểu được các tác dụng phụ.
Chất ưc chế Anhydrase cacbonic có tác dụng giảm sản xuất thể dịch như Brinzolamide, Dorzolamide. Các thuốc này có tác dụng tốt, song đôi khi gây mắt nhìn mờ, đau nhói và cay mắt, vị đắng. Hỗn dịch nhỏ mắt Brinzolamid 1% được chỉ định như một liệu pháp đơn trị liệu để làm giảm TNA trên bệnh nhân là người lớn bị TNA hoặc glôcôm góc mở không đáp ứng hoặc có chống chỉ định với các thuốc đối kháng thụ thể beta, hoặc điều trị hỗ trợ các thuốc dối kháng thụ thể beta hay nhóm thuốc tương tự Prosgaglandin.
Chất ức chế Rho kinase làm tăng lưu lượng nước thông thường như Netarsudil.
Các chất chủ vận Cholinergic có tác dụng co đồng tử, tăng thoát thủy dịch, tác động trực tiếp như Carbachol, Pilocarpine; tác dụng gián tiếp như Echothiophate iod.
Chất chủ vận Adrenergic chọn lọc alpha-2 có tác dụng giảm sản xuất thủy dịch; có thể tăng thoát thủy dịch qua màng bồ đào củng mạc; có thể gây giãn đồng tử hay dùng như: Apraclonidine, Brimonidine, Apraclonidine… Nhóm này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như mắt bị ngứa, huyết áp tăng cao, đau đầu, mệt mỏi, nhịp tim không đều, khô miệng, buồn ngủ.
Epinephrine cũng được dùng chữa bệnh TNA ở mắt. Tác dụng của loại thuốc này vừa làm tăng tốc độ thoát chất lỏng ra bên ngoài, vừa làm giảm tốc độ tiết chất lỏng của mắt. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này để điều trị bệnh TNA ở mắt, cần có sự chỉ định và tư vấn từ bác sĩ. Sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như tắc ống nước mắt, nhịp tim nhanh hơn bình thường, gây hiện tượng màng kết.
Ngoài các thuốc tra mắt nói trên, trong lâm sàng còn dùng thuốc ức chế men Anhydrase cacbonic dạng uống hoặc dùng đường tĩnh mạch có tác dụng giảm sản xuất thể dịch như Acetazolamide, Methazolamide.
Người bệnh không nên sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt chứa chất gây TNA- Corticoid trong thành phần sản xuất. Hiện nay, trên thị trường có các loại thuốc nhỏ mắt chứa thành phần Corticoid được thay thế bằng tên khác là: Polydexa, neodex, polydecaron, dexacol… Corticoid là một chất kháng viêm mạnh, nên được sử dụng nhiều trong các loại thuốc nhỏ mắt. Tuy vậy, nếu người bị TNA dùng trong thời gian dài sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm cho giác mạc.
ThS.Lê Quốc Thịnh