Ngày 8/12/2023, Đoàn Công tác của Bộ LĐ-TB và XH do ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB và XH) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Quảng Nam về công tác phát triển người tham gia BHXH, BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 102/NQ-CP và Nghị quyết 69/NQ-CP của Chính phủ. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB và XH), Phòng Quản lý thu, nợ (Ban Thu- Sổ, thẻ BHXH Việt Nam) và đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Nam…
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Báo cáo tại buổi làm việc ông Nguyễn Thanh Danh- Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết số 102/NQ-CP và Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp Sở LĐ-TB và XH tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chỉ tiêu như: Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp; Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi; Tốc độ phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp (năm sau so với năm trước).
Ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB và XH) phát biểu tại buổi làm việc
Với những chỉ tiêu được xây dựng cụ thể, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH, các ngành tham mưu UBND tỉnh và BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh kế hoạch và các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ trên địa bàn, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Hàng năm, BHXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh và BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp tỉnh ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, còn tổ chức các hội nghị, cuộc họp định kỳ, đột xuất nhằm trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình và kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, để có cơ sở đề ra các giải pháp khai thác, mở rộng nguồn thu, phát triển người tham gia BHXH, BH thất nghiệp tại các DN; BHXH tỉnh phối hợp với ngành Thuế để trao đổi, cung cấp thông tin hàng tháng về số DN tăng mới, tổng số DN đang hoạt động; từ đó rà soát, thống kê những đơn vị đã tham gia, chưa tham gia BHXH, BHYT để xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng cho phù hợp. Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương, BHXH tỉnh phối hợp với các Tổ chức dịch vụ thu triển khai hệ thống nhân viên thu BHXH, BHYT đến cơ sở nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đây là cánh tay nối dài của cơ quan BHXH tại cơ sở, góp phần quan trọng trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua.
“Tính tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 7 đầu mối tổ chức dịch vụ với hơn 700 nhân viên thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình phân bổ hoạt động tại 18 huyện, thị xã, thành phố. Để đội ngũ nhân viên đại lý thu hoạt động hiệu quả, BHXH tỉnh đã tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng tuyên truyền và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về BHXH hàng năm”- ông Danh cho biết.
Tại các đơn vị, DN, BHXH tỉnh thường xuyên đốn đốc, nhắc nhở chủ SDLĐ, NLĐ thực hiện trách nhiệm tham gia BHXH, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật, chấn chỉnh những trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số lượng NLĐ đang quản lý, làm việc tại đơn vị hoặc chây ì, để nợ BHXH, BH thất nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất các đơn vị SDLĐ nhằm phát hiện, chấn chỉnh những đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp… Qua đó, xây dựng kế hoạch thực hiện và phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp với nhiều hình thức: cổ động trực quan, tuyên truyền qua các cơ quan báo chí, bản tin, website, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, tuyên truyền trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn, các khu, cụm công nghiệp đến các chủ SDLĐ, NLĐ, hộ gia đình, hội viên các hội, đoàn thể, triển khai chuyên mục hỏi- đáp trên Website BHXH tỉnh.
Vì vậy kết quả phát triển người tham gia BHXH theo Nghị quyết số 102/NQ-CP và 69/NQQ-CP của Chính phủ thời gian qua trên địa bàn tỉnh là rất khả quan. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh có 180.391 người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24,27% LLLĐ trong độ tuổi; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 178.253 người (tỷ lệ 23,98%), số người tham gia BHXH tự nguyện là 2.138 người (tỷ lệ khoảng 0,29%). Có 158.054 người tham gia BH thất nghiệp, chiếm khoảng 21,27% LLLĐ trong độ tuổi. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 215.620 người tham gia BHXH, chiếm khoảng 25,75% LLLĐ trong độ tuổi toàn tỉnh, tăng 1,48% so với 2018; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 194.068 người (tỷ lệ 23,17%, giảm 0,81% so với năm 2018), số người tham gia BHXH tự nguyện là 21.552 người (tỷ lệ khoảng 2,57%, tăng 10 lần so với 2018). Có 180.195 người tham gia BH thất nghiệp, chiếm khoảng 21,52% LLLĐ trong độ tuổi và tăng 0,25% so với năm 2018.
Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 214.550 người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24,93% LLLĐ trong độ tuổi toàn tỉnh, giảm 0,82% so với 2022; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 194.368 người (tỷ lệ 22,58%, giảm 0,59% so với năm 2022), số người tham gia BHXH tự nguyện là 20.182 người (tỷ lệ khoảng 2,34%, giảm 0,23% so với 2022). Có 180.120 người tham gia BH thất nghiệp, chiếm khoảng 20,93% LLLĐ trong độ tuổi và giảm 0,59% so với năm 2022.
Cần bổ sung chế tài xử lý tình trạng chậm đóng BHXH
Theo ông Nguyễn Thanh Danh: Trong những năm qua, BHXH tỉnh luôn thực nhiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và đôn đốc các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ, trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm tăng số người tham gia mới và duy trì số người đã tham gia BHXH, BH thất nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tình hình NLĐ tham gia BHXH, BH thất nghiệp có xu hướng giảm, số người nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp BHXH một lần gia tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH còn xảy ra, nhất là tình hình chậm đóngBHXH, BH thất nghiệp kéo dài, với số lượng lớn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Tính đến hết tháng 10/2023, các đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh với số tiền 284,17 tỷ đồng (chiếm 5,45% số phải thu). Trong đó, có 369 đơn vị SDLĐ để nợ trên 100 triệu hoặc trên 12 tháng với tổng số tiền nợ trên 142,9 tỷ đồng, làm ảnh quyền lợi đối với hơn 46.500 lao động. Bên cạnh đó, có một số DN để chậm đóng BHXH không có khả năng đóng, DN có chủ SDLĐ bỏ trốn, mất tích… chưa có chế tài hoặc hướng dẫn cụ thể để giải quyết quyền lợi cho NLĐ.
Trước tình trạng trên ông Nguyễn Thanh Danh đề xuất cần bổ sung ngay các chế tài để xử lý những đơn vị, DN cô tình chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đọng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH; tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Về công tác phát triển người tham gia BHXH, BH thất nghiệp BHXH tỉnh đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhất là chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Bên cạnh đó HĐND tỉnh cần xem xét hỗ thêm mức đóng BHYT cho đối tượng là HSSV, các hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT (ngoài mức hỗ trợ hiện nay theo quy định của Luật BHYT). BHXH tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất: Bộ LĐ-TB và XH cần có hướng dẫn đối với những trường hợp đang hưởng trợ cấp thương tật nay đề nghị hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động để hưởng chế độ thương binh nay đề nghị được hưởng thêm chế độ mất sức lao động…
Trước báo cáo và những kiến nghị, đề xuất của BHXH tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Duy Cường- Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB và XH) đánh giá cao những kết quả mà BHXH đạt được theo Nghị quyết số 102/NQ-CP và 69/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên theo ông Cường để đạt được kết quả tốt hơn nữa rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Theo ông Cường thì
việc phát triển người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, HĐND tỉnh cần đưa vào Nghị quyết để giao chỉ tiêu cụ thể là hết sức quan trọng. Có như vậy mới gắn được trách nhiệm của từng địa phương, Sở ngành có liên quan. Bên cạnh đó việc xử lý tình trạng chậm đóng cần phải chú ý đến công tác thanh tra chuyên ngành, nhất là thanh tra đột xuất để xử lý sớm tình trạng chậm đóng, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ…“Những kiến nghị và đề xuất của BHXH tỉnh Quảng Nam, Đoàn công tác xin ghi nhận và có báo cáo cụ thể với lãnh đạo Bộ LĐ-TB và XH và các Bộ, ngành liên quan để điều chỉnh cho phù hợp”- ông Cường cho biết.
Lê Văn