So với các tỉnh đồng bằng, công cuộc chuyển đổi số ở các tỉnh miền núi gặp khó khăn gấp bội khi hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, nguồn lực đầu tư ít, trình độ dân trí còn thấp. Tuy nhiên, xác định chuyển đổi số là bước đột phá để người dân có thể thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT một cách dễ dàng nhất, BHXH tỉnh Sơn La đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến nền hành chính phục vụ số.
Chuyển đổi từ tư duy người đứng đầu
Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số giúp người dân được bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ và các tiến bộ khoa học xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống do không bị rào cản bởi khoảng cách địa lý, thời gian. Từ đó, đẩy mạnh việc phát triển ba trụ cột kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số của đất nước. Để bắt nhịp với xu thế phát triển của thời đại, BHXH tỉnh Sơn La trong những năm qua đã luôn tích cực chuyển đổi số với phương châm: “Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”.
Nhận định về thực trạng chuyển đổi số lĩnh vực BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Sơn La, ông Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, chuyển đổi số là hướng đi đúng, kịp thời, bắt nhịp xu thế, tạo động lực phát triển mới cho Sơn La. Tuy nhiên, đây cũng là một việc mới và khó không chỉ đối với riêng Sơn La mà còn với nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn.
“Riêng về lĩnh vực BHXH, BHYT, dù đã có nền tảng CNTT chắc với 27 hệ thống ứng dụng quản lý các quy trình nghiệp vụ. Tuy nhiên, thời điểm đầu khi bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số chung của Ngành và địa phương, BHXH tỉnh Sơn La cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, đặc biệt là nhận thức, tư duy của cả cán bộ thực hiện chính sách và người dân khi tiếp cận với môi trường số thực thụ, như việc đóng BHXH, BHYT trên Cổng DVC hay đi KCB BHYT bằng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID”- ông Thiều Quang Ngãi chia sẻ.
Đánh giá chiến lược chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ mà còn phụ thuộc vào con người, sự tư duy, phương pháp, quy trình thực hiện và văn hóa của đơn vị, lãnh đạo BHXH tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu đơn vị, cũng như từng cán bộ và người dân về chuyển đổi số. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, BHXH tỉnh đã nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số lĩnh vực BHXH, BHYT trên địa bàn… Qua đó, thúc đẩy việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác CSDL quốc gia về bảo hiểm một cách đồng bộ, thống nhất. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, giúp người dân tiếp cận thông tin và thực hiện DVC dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi.
Kết quả khởi đầu…
Đáng chú ý, xác định rõ trong công tác chuyển đổi số thì dữ liệu số là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất, do đó từ nền tảng CNTT đã có, BHXH tỉnh Sơn La đã bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam ưu tiên tập trung, làm giàu CSDL của Ngành, CSDL quốc gia về bảo hiểm theo Đề án 06 của Chính phủ, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số của Ngành nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia nói chung. Tính đến nay, địa phương đã thực hiện việc rà soát đối chiếu thành công hơn 1 triệu thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư.
Trong lĩnh vực KCB BHYT, hiện BHXH tỉnh đang kết nối liên thông với 228/228 cơ sở KCB trên địa bàn, trong năm 2022 đã thực hiện giám định chi phí KCB BHYT cho trên 972 nghìn lượt bệnh nhân. Đặc biệt, trên CSDL người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư, BHXH tỉnh đã phối hợp các cơ sở KCB BHYT triển khai việc sử dụng CCCD gắn chíp đi khám chữa bệnh BHYT. Tính đến tháng 6/2023 có 228/228 (đạt tỷ lệ 100%) cơ sở KCB BHYT đã sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong KCB. Lũy kế từ đầu năm số lượt tra cứu là hơn 425.438 lượt, số lượt tra cứu thành công là hơn 315.104 lượt.
Nhằm hướng tới nền hành chính phục vụ số, BHXH tỉnh đã tập trung xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ số phục vụ người dân, DN. Theo đó, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện các TTHC qua phương thức giao dịch điện tử. Trong đó bao gồm: Cổng DVC quốc gia; Cổng DVC ngành BHXH Việt Nam và ứng dụng VssID. Riêng năm 2022, BHXH tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 lượt hồ sơ giao dịch trực tuyến. Đến nay, toàn tỉnh cũng đã có trên 140.000 tài khoản VssID được phê duyệt.
Ngoài ra, công tác chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp được tiếp tục đẩy mạnh, qua phương tiện thanh toán không bằng tiền mặt. Hàng tháng, BHXH tỉnh đều phối hợp với Ngân hàng, Bưu điện vận động, khuyến khích người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân tại điểm chi trả. Trong 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ số người hưởng các chế độ BHXH, TCTN nhận qua tài khoản ATM tại vùng đô thị là 52,7%; trong đó, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân đạt 41,76%, cao hơn 1,85% so với kế hoạch.
…và niềm tin về một BHXH Sơn La hiện đại, năng động
Có thể thấy, khi các hoạt động của ngành BHXH Việt Nam, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, DN với cơ quan BHXH được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị SDLĐ, NLĐ thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ BHXH; giúp DN, NLĐ dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…
Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức phía trước, nhưng với quan điểm "Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ", tất cả các kết quả, nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách, BHXH tỉnh Sơn La vẫn đang cho thấy những nỗ lực không ngừng, kiên trì, từng bước đưa chuyển đổi số từ nhận thức chuyển thành hành động.
Theo ông Thiều Quang Ngãi, chuyển đổi số lĩnh vực BHXH, BHYT ở Sơn La đã và đang trở thành phong trào thi đua sâu rộng, vừa có tính toàn dân và vừa toàn diện; là một “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, với những kết quả bước đầu khá tích cực và đáng khích lệ trên cả các mặt. Trong đó, việc xây dựng mô hình hành chính phục vụ số tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng lấy người dân, DN làm trung tâm, là chủ thể và mục tiêu phục vụ.
“Với niềm tin và khát vọng phát triển, tôi tin tưởng hành trình chuyển đổi số của Sơn La sẽ có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả ấn tượng hơn nữa, vì một BHXH Sơn La đổi mới, năng động, phát triển với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội địa phương, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT”- ông Thiều Quang Ngãi khẳng định.
Thanh Hằng