Ngày 8/11/2023, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cùng Đoàn công tác của BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện nhiệm vụ 10 tháng năm 2023; thảo luận các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2023...
Chủ động, linh hoạt các giải pháp thực hiện tốt an sinh xã hội
Báo cáo một số chỉ tiêu thực hiện công tác 10 tháng năm 2023, Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám cho biết: Tính đến hết ngày 31/10/2023, trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động bằng 28,09%. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc 403.276 người, đạt 92,31% kế hoạch; Số người tham gia BHXH tự nguyện 79.538 người, đạt 81,84% kế hoạch; số người tham gia BH thất nghiệp là 377.696 người, đạt 91,91% kế hoạch. Riêng số người tham gia BHYT tại Thanh Hóa hiện là 3.215.509 người, đạt 94% kế hoạch; bao phủ 85,99% dân số (chưa tính các nhóm tham gia BHYT ở ngoài tỉnh, ngoài nước và trong lực lượng vũ trang)...
BHXH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách, giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ BHXH, đảm bảo quyền lợi người lao động. Thực hiện tiếp nhận và thụ lý giải quyết cho 232.019 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm trước; điều chỉnh tăng lương theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau, thai sản dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tỷ lệ giao dịch bình quân toàn tỉnh đạt 89,7%.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, toàn thể CBCCVC và NLĐ BHXH tỉnh đồng lòng, tìm mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cơ quan BHXH đã triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; xây dựng kịch bản giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp các tháng cuối năm 2023; thực hiện rà soát NLĐ tại các đơn vị chậm đóng khó thu; rà soát dữ liệu do Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cung cấp để phát triển người tham gia BHXH bắt buộc và cập nhật trạng thái DN...
BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng định kỳ hàng quý, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong đó có công tác phát triển người tham gia và tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường; ban hành Kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2023. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra...
Tuy nhiên, báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng chia sẻ một số khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ năm. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tổ chức và mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí phải ngừng hoạt động; việc làm, thu nhập của người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức do tạm dừng việc, nghỉ việc, mất việc… Tốc độ gia tăng người tham gia BHXH, BH thất nghiệp còn chậm; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thấp. Số người tham gia BHXH tự nguyện mặc dù có tăng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh còn thấp, thiếu tính bền vững, nhất là đối với các huyện miền núi còn phụ thuộc nhiều vào các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên gặp rất khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo ông Tám, thời gian qua công tác CNTT được BHXH tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh, đặc biệt là thực hiện Đề án 06. BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp các đơn vị liên quan, người tham gia và đơn vị quản lý người tham gia tiến hành rà soát, bổ sung, xác thực đúng thông tin nhân thân của người tham gia vào CSDL do cơ quan BHXH quản lý. Đến nay, đã đồng bộ 3.133.057/3.222.736 hồ sơ người tham gia với CSDL Quốc gia về dân cư, đạt 97,21%. Tiếp tục phối hợp triển khai thí điểm KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, hiện nay đã đồng bộ 3.036.499 thông tin định danh cá nhân (ĐDCN)/CCCD với thẻ BHYT còn hiệu lực; đôn đốc triển khai rà soát, làm sạch thông tin người tham gia BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng phản ánh một số vướng mắc phát sinh trên các phần mềm nghiệp vụ; việc báo giảm người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH do chết của Bưu điện với cơ quan BHXH còn sai sót về thông tin ngày, tháng chết làm ảnh hưởng đến dữ liệu người hưởng và khó khăn trong khâu xét duyệt chế độ tử tuất; người tham gia chưa có thói quen sử dụng Dịch vụ công trực tuyến để giao dịch nên tỷ lệ giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực đang ở mức thấp...
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã cũng báo cáo đồng chí Phó Tổng Giám đốc và các đồng chí trong đoàn công tác của BHXH Việt Nam những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đề ra một số phương hướng, giải đáp về lĩnh vực thu, phát triển người tham gia, truyền thông, giải quyết chế độ chính sách, chuyển đổi số... trong thời gian tới.
Thu hút sự vào cuộc của hệ thống chính trị
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực mà BHXH tỉnh Thanh Hóa đạt được, đặc biệt là trong công tác tham mưu, phối hợp, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh: BHXH tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục bám sát kế hoạch giao chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của BHXH Việt Nam và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành triển khai linh hoạt, phù hợp, đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp theo kịch bản chi tiết đã được xây dựng của địa phương, các quy trình, hướng dẫn của BHXH Việt Nam để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; chủ động tham mưu để cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là sự quan tâm của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ tỉnh đến xã, nhất là Ban Chỉ đạo cấp xã, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao ở mức cao nhất. Tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT, quản lý, sử dụng hiệu quả dự toán chi KCB BHYT được giao; tập trung rà soát, giám định chặt chẽ điều kiện, tỷ lệ thanh toán thuốc, vật tư y tế... theo đúng quy định.
Hiện Thanh Hóa đang có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến hết tháng 10/2023 là 710,5 tỷ đồng, bằng 6,39% (kế hoạch giao 4,02%). Do đó, BHXH tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, không để phát sinh chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tích cực phối hợp với Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tập trung khai thác CSDL để phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi người lao động, kịp thời ngăn chặn những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT...
Nhấn mạnh một trong những mục tiêu của toàn ngành BHXH trong giai đoạn hiện nay là thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, Phó Tổng giám đốc Chu Mạnh Sinh yêu cầu BHXH tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, chuyên môn nghiệp vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt, cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành tại các Thông báo kết luận về công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Ngành, đảm bảo tiến độ, chất lượng; kịp thời báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Ngành giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò, hiệu quả công tác truyền thông, đẩy mạnh hình thức tuyên truyền, đảm bảo đa dạng, linh hoạt, phù hợp đặc thù địa phương, nâng cao chất lượng công tác truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và mở rộng độ bao phủ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, Phó Tổng Giám đốc cũng yêu cầu BHXH tỉnh chủ động xử lý, giải quyết công việc, nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền, phạm vi, trách nhiệm được giao, đảm bảo phân công cán bộ giải quyết “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị...
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác BHXH Việt Nam cũng tiếp tục làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. ghi nhận những kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Như Thanh đã đạt được trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đặc biệt đánh giá cao vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Như Thanh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện mọi mặt công tác, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, chỉ ra một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH huyện Như Thanh cần tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến tận cấp xã; phát huy vai trò, năng lực, sự đồng bộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về chính sách BHXH, BHYT. Trong đó, đặc biệt lưu ý thành viên ban chỉ đạo cấp xã có cán bộ, công chức văn hóa-xã hội; triển khai các chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ các nguồn lực của địa phương.
Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Như Thanh chỉ đạo các phòng, ban, ngành chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan BHXH huyện tham mưu xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế; đồng thời, rà soát, xây dựng các phương án tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo lộ trình đề ra.
Thái An