Ngày 28/10, tại tỉnh Đắk Lắk, BHXH Việt Nam tổ chức diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin ngành BHXH Việt Nam- đợt 1 năm 2024, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh dự và phát biểu khai mạc chương trình.
Tham dự sự kiện này có đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an); các chuyên gia về an toàn thông tin tại Việt Nam. Đại biểu tham gia diễn tập có lãnh đạo BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố phụ trách CNTT, an toàn thông tin của 19 BHXH tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác ứng dụng CNTT và chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là Đề án 06. Đáng chú ý, trong 9 lĩnh vực quan trọng của việc phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số, an toàn thông tin và an ninh mạng được nêu thành một tiêu chí riêng bên cạnh các tiêu chí về xây dựng thể chế, hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số.
Trong nỗ lực tham gia vào chương trình chuyển đổi số của quốc gia, đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tương đối toàn diện, thông suốt theo mô hình tập trung từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động nghiệp vụ của Ngành cũng như tương tác với người dân và đơn vị SDLĐ đều dựa trên nền tảng dữ liệu số.
Theo Phó Tổng Giám đốc, hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai 28 hệ thống ứng dụng CNTT, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành được thực hiện trên phần mềm ứng dụng; kết nối với khoảng 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT, với hơn 174 triệu lượt thanh toán mỗi năm. Hệ thống giao dịch điện tử và Cổng DVC BHXH Việt Nam mỗi năm tiếp nhận hơn 100 triệu hồ sơ giao dịch, phục vụ hơn 621 nghìn đơn vị và hơn 35,6 triệu tài khoản cá nhân.
Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, để đảm bảo an toàn thông tin cho toàn bộ hệ thống của Ngành, BHXH Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Ban hành Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ ngày 15/3/2024 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng ngành BHXH Việt Nam; Chương trình hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ tại Quyết định số 510/QĐ-BHXH ngày 7/5/2024.
Đồng thời, chú trọng trang bị hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch, xây dựng các “hàng rào kỹ thuật”; phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá an toàn thông tin cho toàn bộ các hệ thống của Ngành, cũng như rà soát, khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu của hệ thống. Phối hợp với A05 (Bộ Công an) giám sát một số hệ thống thông tin trọng yếu có cung cấp DVC trực tuyến cho người dân và DN. Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng con người, trong đó có việc kiện toàn Đội Ứng cứu sự cố của Ngành, triển khai khóa đào tạo về an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách và người dùng trong toàn Ngành...
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Trung tâm CNTT trong việc tham mưu tổ chức, cũng như sự phối hợp tích cực, hiệu quả của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho hoạt động lần này, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cho rằng, trước tình hình an toàn thông tin ngày càng phức tạp, việc ứng dụng CNTT kéo theo rủi ro. Vì vậy, với chủ đề diễn tập năm nay là "Chủ động ứng phó trước cuộc tấn công mã hóa dữ liệu", Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh kỳ vọng BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên hiểu rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số. Từ đó, nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn thông tin...
“Tôi rất mong tất cả các đại biểu tham dự sẽ được cập nhật tình hình, phương thức phòng chống tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng; cập nhật các kỹ năng, kiến thức của mình vào giải quyết những tình huống, để sẵn sàng ứng cứu các sự cố do tấn công mạng gây ra đối với hạ tầng thông tin do đơn vị quản lý. Đồng thời, tăng cường trao đổi, phối hợp giữa đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin mạng tại BHXH tỉnh, thành phố với Trung tâm CNTT để nâng cao khả năng sẵn sàng trước các cuộc tấn công mạng, bảo vệ hệ thống mạng, hạ tầng thông tin; nâng cao ý thức, trình độ cho cán bộ kỹ thuật về an toàn thông tin mạng...”- Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh.
Ngay sau đó, chương trình diễn tập với chủ đề "Chủ động ứng phó trước cuộc tấn công mã hóa dữ liệu" được triển khai. Hoạt động sẽ diễn ra liên tiếp trong 3 ngày, từ 28/10 đến 30/10 đối với khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Còn theo kế hoạch của Trung tâm CNTT, đợt diễn tập sẽ tiếp tục diễn ra 2 đợt nữa tại miền Nam và miền Bắc trong thời gian sắp tới.
Phạm Thọ-Phạm Loan
Cùng ngày, Đoàn công tác do Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh dẫn đầu đã có buổi làm việc với BHXH huyện Buôn Đôn và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo các đơn vị cho biết, tính đến ngày 25/10, toàn huyện Buôn Đôn đã cập nhật bổ sung số ĐDCN/CCCD của người tham gia BHXH, BHYT trong CSDL do BHXH huyện quản lý là 67.059/67.231 người, đạt 99,74%. Trong đó, xã Krông Na đạt cao nhất với tỷ lệ 99,63%. Công tác triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông cũng đạt kết quả tốt. Đặc biệt, BHXH huyện Buôn Đôn luôn xác định công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới. |