Chiều 28/11, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 10 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Bình Dương, trong 10 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 991.902 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 89,99% kế hoạch; 9.439 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 54,35% kế hoạch; 972.401 người tham gia BH thất nghiệp, đạt 89,78% kế hoạch; 2.435.729 người tham gia BHYT, đạt 94,06% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 90,21% dân số. Tổng số tiền chậm đóng đến thời điểm 31/10/2023 là 973.673 triệu đồng, chiếm 3,4% so với số phải thu, cao hơn 1,17% so với chỉ tiêu được giao; thu BHXH, BHYT được 21.511.127 triệu đồng, đạt 75,1% kế hoạch.
Cũng theo báo cáo, trong 10 tháng, tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT đều giảm so với năm 2022, chưa đạt yêu cầu Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra. Về nguyên nhân, theo bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, mặc dù BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện, nhưng gặp phải không ít khó khăn, trong đó nguyên nhân chính là do khó khăn của kinh tế toàn cầu, cũng như những tác động xấu từ dịch Covid-19 để lại... “Với kết quả trên, từ nay đến hết năm 2023, có 3 chỉ tiêu BHXH tỉnh Bình Dương phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt, đó là tăng thêm 48.000 người tham gia BHXH bắt buộc, 7.000 người tham gia tự nguyện và khoảng 80.000 người tham gia BHYT…”- bà Lý cho biết.
Trước tình hình trên, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh cho biết, để người dân tham gia BHXH, BHYT đạt tỷ lệ cao hơn nữa, trong thời gian tới, BHXH tỉnh Bình Dương phải có kế hoạch triển khai, giám sát kịp thời; phối hợp tốt hơn nữa với các sở, ngành và chính quyền địa phương trong triển khai chính sách BHXH, BHYT đến người dân; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tuyên dương những mô hình hay. Đối với các địa phương, cần kiện toàn Ban Chỉ đạo để thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao.
Đối với các cấp, các ngành trên địa bàn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách BHXH. Trong đó, chú trọng phát triển người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH.
Ngoài ra, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHXH, nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật về lao động, việc làm, BHXH được hiệu quả, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BHXH, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH theo quy định của pháp luật.
Lê Văn