Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương. Đây là điểm nhấn, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui và phấn khởi đối với đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai- Đoàn Hà Nội, điểm nhấn 2024 là tăng lương thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị. Hiện nay Chính phủ đã xây dựng đề án cải cách tiền lương và đang chờ trình Quốc hội thông qua. Theo đề án này, lương của các bộ công chức và lực lượng liên quan sẽ tăng từ 1/7/2024. Song vấn đề đi kèm với tăng lương là phải kiểm soát lạm phát.
“Có thể nhận thấy mỗi lần tăng lương, kể cả lương đối với người nghỉ hưu đều có tác động đến giá cả, lạm phát. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, chỉ riêng năm 2023 (tính 4 tháng), có đến 32% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao. Nếu tăng lương mà không kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của tăng lương không được bảo đảm. Do đó, cần phải tăng lương thực chất, không cào bằng. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn ở mức “chừng mực”, tăng lương là cả cố gắng lớn. Theo Nghị quyết 27, khi lương tăng, công chức, viên chức không còn các khoản phụ cấp khác. Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần lưu ý, tính toán sao để khi không còn phụ cấp, người đang có thu nhập từ phụ cấp không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đi cùng với tăng lương phải là tinh giản biên chế, để làm sao bộ máy nhà nước hoạt động thực sự hiệu quả”- bà Mai phân tích.
Thông tin về nội dung cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là một tư duy đột phá hoàn toàn, đây là điểm nhấn, dấu ấn của Quốc hội, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự tạo tâm trạng xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, vui và phấn khởi.
Theo phân tích của bà Phạm Thị Thanh Trà, cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ và gia đình của họ mà còn nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách tiền lương cũng chính là động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi khi lương được nâng lên sẽ tác động đến cung- cầu. Ngoài ra, cải cách tiền lương còn thực hiện mục tiêu cơ cấu, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đề cập nội dung cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý thay cho bảng lương theo hệ số hiện nay tồn tại từ năm 2004. Qua 4 lần cải cách tiền lương, chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Theo đó, chính sách tiền lương mới được cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản (70%), tỷ lệ phụ cấp (30%); loại hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù và bổ sung 10% lương cơ bản để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những vấn đề mới này phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ. Khi cải cách tiền lương, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương. “Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang thì có một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. Nhưng theo tinh thần Nghị quyết 27 thì những cơ quan có chính sách lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm nhưng không giảm đi). Như vậy, để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương”- Bộ trưởng Trà cho biết thêm.
Tuy nhiên, nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới thực hiện từ ngày 1/7/2024, sau năm 2024 tiếp tục tăng 7% để bù trượt giá và tăng GDP, chỉ đảm bảo đến năm 2026. Sau năm 2026 nếu không nỗ lực thì khó thực hiện tiếp chính sách tiền lương mới. Vì vậy, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chính. Nhiệm vụ hàng đầu là tạo nguồn lực tài chính bền vững. Thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương, chứ không phải chỉ lo cho giai đoạn này. Bởi, nguồn lực trả lương cho giai đoạn này là đã có quá trình tích lũy từ 2018 đến nay. Từ năm 2026 trở đi, nếu không tính đến tăng thu, tiết kiệm chi, rất khó khăn để tiếp tục trả lương theo chính sách tiền lương mới. “Chúng ta cần chú ý tuyên truyền để nâng cao nhận thức, chẳng hạn như với 36 cơ quan hưởng chính sách lương đặc thù tới đây chỉ hưởng lương bảo lưu như hiện hưởng, không tăng thêm. Quá trình tăng lương sẽ có giai đoạn chuyển lương cũ sang lương mới theo vị trí việc làm, không thể đồng bộ ngay mà sẽ có những vấn đề phát sinh. Cùng với đó, cần tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm số người hưởng lương từ NSNN. Số lượng công chức có thể khó tinh giản vì hiện nay đã giảm rất nhiều, sẽ có cơ chế tốt hơn để giảm số viên chức hưởng lương nhà nước, để có thêm nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý.
Nguyệt Hà