Chiều 28/3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, địa phương hiện có tổng cộng hơn 112.000 CBCCVC, trong đó hơn 50% là người trẻ, có khả năng tiếp cận CNTT và ngoại ngữ. Tỷ lệ cán bộ đạt chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp cao, đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm. Đội ngũ này thời gian qua đã phát huy vai trò trong giải quyết những vấn đề phức tạp của quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao về y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển về chất lượng và số lượng, với hơn 21.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có gần 7.000 Tiến sĩ, hơn 1.100 Phó Giáo sư và 188 Giáo sư. Riêng trong khu vực hành chính, có hơn 800 CBCCVC có trình độ Tiến sĩ và trên 10.000 người có trình độ Thạc sĩ.
Đoàn Giám sát làm việc với TP.HCM
Dù vậy, địa phương cũng nhìn nhận, tình trạng nghỉ việc ở khu vực công đang là thách thức lớn. Từ năm 2020 đến tháng 4/2023, TP.HCM đã ghi nhận 9.470 CBCCVC nghỉ việc, trong đó có 855 CBCC và 8.615 VC. Số lượng nghỉ việc tập trung nhiều ở các nhóm ngành đặc thù như y tế, giáo dục và nhóm CC có độ tuổi trẻ.
Cụ thể, riêng lĩnh vực y tế có 3.708 trường hợp, chiếm tỷ lệ 43%; theo sau là lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 3.626 trường hợp, chiếm tỷ lệ 42,1%; còn lại 1.281 trường hợp thuộc các lĩnh vực sự nghiệp khác, chiếm tỷ lệ 14,9%. Về độ tuổi, nhóm từ 35 - 40 tuổi có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, với 41,9% ở CBCC và 37,1% ở VC.
Lý giải nguyên nhân, UBND TP.HCM cho rằng do chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự thỏa đáng, chưa tạo đủ động lực để CBCCVC an tâm cống hiến lâu dài, đặc biệt khi khu vực tư nhân đưa ra mức thu nhập và cơ hội phát triển hấp dẫn hơn. Với mức thu nhập và khối lượng công việc cũng như trách nhiệm như hiện nay, CBCCVC sẵn sàng nghỉ việc để sớm chuyển sang khu vực tư với mức thu nhập hấp dẫn và cơ hội phát triển cao hơn...
Bên cạnh đó, TP.HCM là địa phương đông dân và có mật độ dân số lớn nhất cả nước, đây cũng là nơi mà công chức phục vụ cho số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trong khi một quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở TP.HCM là 441.000 dân. Trong điều kiện bình thường, một biên chế của TP.HCM phải phục vụ cho người dân gấp 3,2 lần cả nước. Đặc biệt trong đợt cao điểm, CBCCVC phải xử lý khối lượng công việc tăng cao bất thường, đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, thông qua công tác giám sát tại TP.HCM lần này giúp Đoàn giám sát có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về thực trạng phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Để từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Từ những vấn đề thực tế tại TP.HCM, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, TP cần đẩy mạnh cải cách giáo dục, thực hiện tốt các chủ trương, đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu
“TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao hàng đầu cả nước. Để đạt được điều này, TP cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và giữ chân nhân tài; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Chú trọng việc tăng cường hợp tác giữa chính quyền, DN và các cơ sở giáo dục là yếu tố quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái đào tạo - sử dụng nhân lực bền vững. Trên hết, cần tận dụng thế mạnh trong khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Cùng với đó, TP.HCM xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó chú trọng các chính sách ưu đãi vượt trội, tạo sức hút cạnh tranh…”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu định hướng.
Phạm Thọ