Sáng ngày 27/3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức Hội thảo Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xác minh 19.121 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM; lập biên bản kiểm tra đối với 13.690 cơ sở (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023). Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 47 cơ sở (chiếm 0,3%). Đáng chú ý, tỷ lệ cơ sở vi phạm đã tăng từ 0,05% lên 0,3% so với năm trước.
Với góc nhìn an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, giúp giảm bớt rủi ro sức khỏe liên quan đến thực phẩm kém chất lượng, cộng với thực trạng vừa nêu trên, BTC cho rằng hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực thực phẩm là hết sức cần thiết. “Để đáp ứng yêu cầu pháp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp thực phẩm cần ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng hiệu quả, minh bạch và đáng tin cậy sẽ góp phần củng cố thương hiệu và mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế”- Phó Giám đốc ITPC Hồ Thị Quyên chia sẻ trong diễn văn khai mạc.
Theo báo cáo viên Nguyễn Phượng Vĩ- Trưởng phòng Tư vấn thị trường và Ghi nhãn thực phẩm thuộc Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, dự kiến trong năm 2025, nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới sẽ có hiệu lực. Vì vậy, DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm phải tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng thực hiện. Cụ thể: QCVN 20-1:2024/BYT quy định giới hạn về kim loại nặng và vi sinh vật, có hiệu lực từ ngày 1/8/2025; Thông tư QCVN 8-1:2025/BYT cũng sẽ được ban hành vào tháng 10/2025, với những thay đổi về mức tối đa cho các độc tố vi nấm như Aflatoxin, Ochratoxin A, Deoxynivalenol, Fumonisin, cùng với việc bổ sung các chỉ tiêu mới như Ergot sclerotia và Ergot alkaloids. Bên cạnh đó, Thông tư 52/2024/TT-BYT ban hành QCVN 01-1:2024/BYT, có hiệu lực từ 1/7/2025, quy định rõ tần suất và số lượng mẫu kiểm nghiệm đối với các đơn vị cấp và sử dụng nước sạch, với 10 chỉ tiêu nhóm A được kiểm tra không ít hơn 01 tháng/lần.
Báo cáo viên Huỳnh Thị Kim Cúc- nguyên Phó Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, đã thông tin tới hội thảo vai trò thiết yếu của bao bì trong ngành thực phẩm. Theo đó, bao bì không chỉ là lớp bảo vệ bên ngoài mà còn là yếu tố then chốt trong việc duy trì chất lượng và an toàn của sản phẩm. Các doanh nghiệp đã được cung cấp một cái nhìn toàn diện về các loại vật liệu bao bì đa dạng, từ nhựa với tính linh hoạt và chi phí hợp lý, đến giấy và carton thân thiện với môi trường, kim loại bền bỉ, thủy tinh trơ về mặt hóa học, và đặc biệt là sự phát triển của vật liệu sinh học, mở ra nhiều lựa chọn bền vững hơn.
Đáng chú ý, báo cáo viên còn làm rõ Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, giúp các doanh nghiệp nắm vững các yêu cầu về thông tin sản phẩm, thành phần dinh dưỡng và các cảnh báo cần thiết cho người tiêu dùng. Những xu hướng và công nghệ mới trong bao bì thực phẩm, như bao bì thông minh có khả năng theo dõi chất lượng sản phẩm, bao bì hoạt tính giúp kéo dài thời gian bảo quản và bao bì sử dụng vật liệu tái chế, hứa hẹn sẽ mang lại những giải pháp thân thiện với môi trường cho ngành thực phẩm Việt Nam.
Hiện nay, DN vừa và nhỏ trong ngành thực phẩm thường phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức đặc thù, chẳng hạn như những hạn chế về cơ sở vật chất, quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa và nguy cơ ô nhiễm chéo cao. Dựa trên nguyên nhân này, báo cáo viên Nguyễn Trung Dũng- Trưởng phòng Giải pháp an toàn thực phẩm thuộc Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, đã đi sâu vào quy trình chủ động nhận diện và quản lý rủi ro an toàn thực phẩm, đặc biệt dành cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.
Theo báo cáo viên, việc đánh giá các yếu tố có thể gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm phải mang tính toàn diện. Từ đó, các doanh nghiệp được khuyến khích tập trung vào việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến và bảo quản. Đồng thời, đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên, cũng như thiết lập hệ thống giám sát và lưu trữ hồ sơ đầy đủ...
Đỗ Bá