Sáng 27/3, BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng có quy mô từ 300 tới 500 giường đã chính thức khởi công xây dựng với nghi thức xúc cát động thổ xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.
Theo TS.BS.Trần Chí Cường- Giám đốc BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, đại diện chủ đầu tư BV S.I.S Đà Nẵng, cơ sở y tế chuyên điều trị đột quỵ đầu tiên tại miền Trung được xây dựng trên diện tích gần 30.000 m2, với diện tích sàn khoảng 50.000m2, với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
“BV S.I.S Đà Nẵng hướng đến cung cấp dịch vụ y tế hiện đại, chuyên sâu về đột quỵ và tim mạch, giúp bệnh nhân không còn phải di chuyển xa để vào TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, hoặc ra nước ngoài điều trị. Việc rút ngắn khoảng cách địa lý trong điều trị đột quỵ sẽ góp phần tăng tỷ lệ “giờ vàng”, giảm thiểu di chứng và tỷ lệ tử vong do đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mang đến nhiều cơ hội sống và phục hồi tốt hơn cho bệnh nhân”- BS.Cường chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia can thiệp xử trí đột quỵ hàng đầu khu vực phía Nam, BV S.I.S Đà Nẵng không chỉ được đầu tư hạ tầng hiện đại, trang thiết bị tiên tiến mà còn quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cam kết cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, kịp thời và toàn diện. Đồng thời, đây cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ y khoa, góp phần nâng cao chất lượng điều trị trong khu vực.
Được biết, đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu toàn cầu, với hơn 14 triệu ca mới và 6,5 triệu ca tử vong mỗi năm. Đặc biệt, 10-15% ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 45 tuổi, phần lớn do lối sống không lành mạnh. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, tỷ lệ tử vong cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan.
Chia sẻ thêm về nỗ lực thành lập BV S.I.S Đà Nẵng, BS.Cường cho biết, hơn 12 năm hỗ trợ khu vực miền Trung can thiệp xử trí đột quỵ, ông nhận thấy toàn khu vực chưa có trung tâm chuyên sâu về đột quỵ, thiếu trang thiết bị đầy đủ và đội ngũ chuyên gia. Vì vậy, bệnh nhân phải chuyển viện xa vào TP.HCM hoặc S.I.S Cần Thơ, mất thời gian vàng, giảm cơ hội sống.
Ngoài ra, hệ thống cấp cứu đột quỵ chưa đồng bộ và khả năng tiếp cận điều trị chưa tối ưu. “Có một trung tâm chuyên sâu đột quỵ tại miền Trung sẽ không chỉ cứu sống hàng ngàn người mỗi năm, mà còn giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng điều trị toàn khu vực...”- BS.Cường cho biết thêm.
Đỗ Bá