Cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác của DN sẽ dễ dàng thành công hơn khi áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn còn không ít rào cản để áp dụng các tiêu chuẩn này vào sản xuất, kinh doanh…
Chia sẻ tại Hội thảo Tìm động lực tăng trưởng từ ESG diễn ra vào sáng 23/5/2025, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Bối cảnh tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu và việc thúc đẩy tăng trưởng xanh là một xu thế cấp thiết, là động lực để tăng trưởng kinh tế, là then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng thời, trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của DN, ngoài lợi nhuận, DN còn phải quan tâm đến môi trường xã hội. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, vì vậy cần những giải pháp để giữ nhịp độ tăng trưởng cao nhưng vẫn phải phát triển bền vững. Trong đó, Việt Nam cần chú trọng đến việc phát triển bền vững về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi xanh, điều này đòi hỏi sự tham gia của 3 bên, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, hành động của khu vực DN, sự tham gia của tổ chức hội đoàn, Tổ chức phi Chính phủ…
Trên thực tế, việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG đã giúp nhiều chủ thể trên thương trường nhận ra rằng, 3 tiêu chí quan trọng này cũng chính là thước đo để đánh giá khả năng triển khai mô hình kinh doanh bền vững. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có chính sách để khuyến khích DN đầu tư vào phát triển xanh thân thiện với môi trường, như Hoa Kỳ, Châu Âu, Ấn Độ… đã tăng cường các biện pháp giảm thiểu carbon, thông qua các biện pháp thuế carbon.
Trong một báo cáo ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới- Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh: ASEAN, được công bố vào tháng 6/2020 cho thấy, 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường (Moore, 2022). Số liệu mới nhất từ Báo cáo Edelman Trust Barometer (2022) cho thấy cách DN đối xử nhân viên, nhà cung cấp đã và đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hiệu mà họ nhận thấy không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% nói rằng nếu họ cảm nhận một nhãn hiệu đặt lợi nhuận lên trên con người thì sẽ không bao giờ tin nhãn hiệu đó nữa. Khi được hỏi về tầm quan trọng của ESG đối với tiếp cận đầu tư trong năm 2022, 26% nhà đầu tư toàn cầu cho biết, ESG là “trọng tâm” trong cách tiếp cận đầu tư của họ…
Còn tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ cũng đã liên tục cam kết thực hiện nghiêm Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc, trong việc thực hiện đưa mức phát thải ròng về bằng “0” (Netzero) vào năm 2050 và đạt mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam: hiện nay có những thách thức và rào cản khác nhau trong việc thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, bao gồm thiếu kiến thức, nguồn nhân lực và quy định của Nhà nước. Vì vậy, cần một chương trình toàn diện bao gồm nâng cao năng lực cho DN, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các DN và tổ chức tài chính, và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG theo đúng cách, tập trung vào tính khoa học và tác động thực tế.
TS.Nguyễn Tú Anh- Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) chia sẻ: "Quan điểm mục tiêu cuối cùng của DN là tối đa hóa lợi nhuận, là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu. Kinh tế học dựa trên quan điểm này đã không giải thích được tại sao các tỷ phú lại dành phần lớn các lợi nhuận của mình cho các dự án cộng đồng? Tại sao các ông chủ có tài sản hàng tỷ đô sao không tận hưởng cuộc sống xa hoa mà vẫn phải lao tâm khổ tứ với những dự án lớn đầy rủi ro để có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người?”. Rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của DN phải là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng, chứ không chỉ là mục tiêu lợi nhuận. Do đó, các chuẩn mực ESG chính là thang đo về giá trị chân chính của một DN. Thực hiện ESG không chỉ làm cho DN cảm thấy những thành công của mình thực sự có ý nghĩa hơn, lớn hơn và bao trùm hơn, mà còn giúp cho DN dễ thành công hơn trong bối cảnh mà nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao…
Các chuyên gia đề xuất, để thực hiện Chiến lược xanh quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trước các thách thức bên ngoài, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kinh tế trung hòa khí carbon trong tương lai, Việt Nam cần xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp theo báo cáo phát triển bền vững. Việt Nam cần soạn thảo yêu cầu mới với ESG như xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN tạo môi trường đầu tư kinh doanh trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh, đẩy nhanh thị trường tín chỉ carbon; xây dựng ưu đãi khuyến khích phát triển chuyển đổi xanh cho phù hợp; xây dựng nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi tăng trưởng xanh kiến nghị giải pháp đặc thù; xây dựng cơ chế, chính sách về nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh từ các tổ chức quốc tế.
“Chính sách phát triển bền vững, chuyển đổi xanh chỉ có thể có hiệu lực nếu nó được cộng đồng dân cư, DN hưởng ứng. Chuyển đổi xanh phải bắt nguồn đầu tiên từ nhận thức của cộng đồng DN, của người dân”, TS.Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ KH-ĐT cũng đang xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh, khuôn khổ pháp lý quan trọng để địa phương lựa chọn nhà đầu tư, bố trí nguồn lực trong nước và quốc tế, góp phần hỗ trợ DN Việt Nam thu hút nguồn lực thông qua dự án M&A, thu hút nguồn đầu tư xanh phát triển kinh tế xanh trọng điểm...
Thái An