Ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng Lãnh đạo Cục Quản lý KCB, Cục Phòng bệnh làm việc tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) về công tác thu dung, điều trị bệnh sởi. Dịp này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) báo cáo tổng thể công cuộc phòng, chống bệnh sởi từ tháng 2/2024 tới nay.
Mắc sởi nặng vì chưa chích ngừa
Theo BV Nhi đồng 1, bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM gia tăng từ tháng 6/2024, với đỉnh là tuần thứ 50 và hiện nay đang có xu hướng giảm. Cụ thể, tổng số bệnh nhi sởi điều trị nội trú tại BV Nhi đồng 1 trong năm 2024 là 3.395 em, với 636 ca nặng. Trong đó, bệnh nhi sởi ngoài TP.HCM chiếm hơn 70%, Trong 3 tháng đầu năm 2025, ghi nhận 1.520 bệnh nhi sở nhập viện điều trị nội trú, 229 ca nặng, bệnh nhi ngoài TP.HCM chiếm 68,9%. Đáng chú ý, bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi mắc sởi luôn chiếm tỷ lệ cao, trên dưới 40% so với tổng số.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm hỏi bà mẹ trẻ đưa con tới BV Nhi đồng 1 thăm khám
Phía BV Nhi đồng 1 cũng đưa ra thống kê đáng chú ý giữa ca sởi nặng và tiền sử tiêm ngừa. Theo đó, tại khoa Hồi sức Nhiễm, nơi điều trị các ca sởi rất nặng, ghi nhận 205 bệnh nhi trong năm 2024. Trong đó, bệnh nhi đã ngừa sởi 1 mũi chiếm 9,8%; ngừa sởi 2 mũi chiếm 0,5%; chưa chích ngừa mũi sởi nào chiếm hơn 89%. Trong 3 tháng đầu năm 2025, khoa Hồi sức Nhiễm ghi nhận 99 bệnh nhi mắc sởi rất nặng phải điều trị. Trong đó, bệnh nhi đã ngừa sởi 1 mũi chiếm 8,1%; ngừa sởi 2 mũi chiếm 2%; chưa chích ngừa mũi sởi nào chiếm hơn 83%.
Không chỉ phân luồng, sàng lọc, cách ly theo quy định trong thu dung, điều trị bệnh nhân sởi, BV Nhi đồng 1 còn dự phòng 3 tình huống diễn tiến của dịch sởi để lập phương án ứng phó. Ngoài ra, các bác sĩ ở BV Nhi đồng 1 còn sáng kiến lập phiếu sáng lọc nguy cơ bệnh sởi để bảo vệ nhóm bệnh nhi nguy cơ. Được biết, Ban Giám đốc BV Nhi đồng 1 đã yêu cầu bác sĩ các khoa thực hiện nghiêm phiếu sàng lọc nguy cơ bệnh sởi. Ngoài ra, các bác sĩ và NVYT tiếp cận bệnh nhi sởi đều được chích ngừa đầy đủ để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh nhi.
Hơn 20 phường, xã hết dịch sởi
Trên phạm vi toàn địa bàn TP.HCM, theo đại diện HCDC, kể từ khi ghi nhận ca sởi đầu tiên vào tháng 2/2024, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo HDCD phối hợp các địa phương tăng cường hoạt động phòng, chống dịch sởi. Tính từ ca sởi đầu tiên tới nay hồi đầu tháng 2/2024, ngành y tế TP.HCM ghi nhận tổng cộng hơn 20.300 ca, với hơn 12.000 ca ngoài TP.HCM và điều trị nội trú hơn 12.300 ca.
Hồi tháng cuối tháng 8/2024, với tham mưu của ngành Y tế TP.HCM, chính quyền thành phố quyết định công bố dịch sởi. Với công bố này, mọi cản trở hành chính đều được tháo gỡ đối với hoạt động mua sắm nhanh vaccine ngừa bệnh sởi. Nhờ đó, chỉ 3 ngày sau công bố dịch sởi, ngành Y tế TP.HCM đã có đủ 300 nghìn liều vaccine để triển khai tiêm bù, tiêm vét.
Với sự bù đắp vaccine kịp thời, khoảng trống chích ngừa sởi diện tiêm chủng mở rộng trước đó được lấp đầy. Khi tỷ lệ chích ngừa đạt 95%, toàn địa bàn TP.HCM bắt đầu tái lập miễn dịch cộng đồng về bệnh sởi. Nhờ đó, những tháng đầu năm 2025 tới nay xu hướng bệnh sởi đã giảm dần. Đã có nhiều phường, xã trên địa bàn TP.HCM đạt tiêu chí 23 tuần liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới. Vì vậy, hôm 27/3 vừa qua, chính quyền TP.HCM đã chính thức công bố hết dịch sởi tại 22 phường, xã. Hiện HCDC đang tiếp tục khảo sát để lập hồ sơ các xã, phường trên địa bàn TP.HCM đủ điều kiện công bố hết dịch để báo cáo Sở Y tế, trình UBND Thành phố.
Nhiều tỉnh phía Bắc gia tăng sởi
Khoảng trống chích ngừa sởi diện tiêm chủng mở rộng trước đó, không chỉ ở TP.HCM mà trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng nhanh chóng triển khai thực hiện tiêm bù, tiêm vét sởi đầy đủ ngay khi chương trình tiêm chủng mở rộng đủ vắc-xin. Vì vậy, trong khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam hạ nhiệt dịch sởi, thì một số tỉnh phía Bắc lại đang gia tăng. Đây là thông tin được các lãnh đạo Cục Phòng bệnh và Cục Quản lý KCB đưa ra tại buổi làm việc. Do đó, dù ghi nhận nỗ lực thu dung điều trị của BV Nhi đồng 1 đối với bệnh sởi, song các lãnh đạo đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế vẫn lưu ý các chỉ đạo của Chính phủ (công điện phòng chống dịch bệnh), của Bộ Y tế (Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị bệnh sởi)...
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn hoan nghênh nỗ lực phòng, chống dịch sởi hiệu quả của ngành Y tế TP.HCM, hoạt động thu dung điều trị bệnh sởi hiệu quả, an toàn tại BV Nhi đồng 1. Để công tác thu dung điều trị và phòng chống dịch bệnh tốt hơn nữa, không chỉ bệnh sởi mà với các bệnh truyền nhiễm khác, Thứ trưởng đã đề nghị ngành Y tế TP.HCM nói chung và BV Nhi đồng 1 nói riêng 8 vấn đề cần nghiên cứu thực hiện. Dịp này, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng lưu ý Cục Phòng bệnh và Cục Quản lý KCB một số vấn đề liên quan tới quản lý đối tượng tiêm phòng, sổ khám bệnh điện tử.
Riêng với bản cập nhật hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị bệnh sởi vừa được chính Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký ban hành cách đây 48h, Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý KCB nhanh chóng tập huấn, triển khai trên cả nước với sự tham dự về chuyên môn của các chuyên gia ở BV Nhi đồng 1. "Các nước phát triển cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị từng bệnh hằng năm, có khi nửa năm, thậm chí hằng tháng. Chúng ta cập nhật chậm quá, riêng bệnh sởi phải mất cả chục năm. Điều này phải được sớm thay đổi, để công tác thu dung, điều trị các bệnh lý khác, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm hiệu quả hơn, an toàn hơn...”- Thứ trưởng chia sẻ thêm.
Đỗ Bá