Hiện thực hoá chủ trương “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế”, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP.Hà Nội khoá XVI, các đại biểu vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định 7 nội dung chi, mức chi thuộc thẩm quyền.
Theo đó, Hà Nội sẽ chi gần 186 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho: Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi; Người khuyết tật nhẹ, HSSV có hoàn cảnh khó khăn; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn thành phố, không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.
Cụ thể, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình được hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT. Mức hỗ trợ trên là ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.
Theo UBND TP.Hà Nội, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, việc hỗ trợ tiền đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng như trên từ ngân sách thành phố là đúng thẩm quyền, phù hợp với chủ trương của TP.Hà Nội: “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế”. Việc hỗ trợ trên còn giúp giảm áp lực tài chính cho một số nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia BHYT và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của Thủ đô.
BHXH TP.Hà Nội cho biết, tính đến 1/12/2023, toàn Thành phố có 7.902.499 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,45% dân số và đạt 99,54% kế hoạch (còn phải phát triển 36.617 người). Theo đà khai thác, phát triển người tham gia BHYT, Hà Nội dự kiến năm 2023 sẽ vượt kế hoạch phát triển người tham gia BHYT khoảng hơn 5.000 người.
Hiện nay, tổng số người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội là 1.130.762 người (từ 60 tuổi trở lên), trong đó có 940.121 người cao tuổi được cấp thẻ BHYT (từ 80 tuổi trở lên, theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ) với số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ trung bình khoảng 756,4 tỷ đồng/năm. Như vậy, Hà Nội còn 190.641 người cao tuổi chưa có thẻ BHYT (từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, trong đó nhóm tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi còn 61.559 người).
Thực tế cho thấy, nhiều người trên 70 tuổi sức khoẻ suy giảm, rất hay đau ốm, thu nhập và kinh tế eo hẹp; Nếu không có thẻ BHYT cuộc sống của họ như “không có tay vịn”, dễ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo hoá khi đau ốm.
Trong khi đó, theo quy định mới, từ 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, dẫn đến mức đóng BHYT cũng tăng theo. Khả năng đóng phí tham gia BHYT của nhóm đối tượng người cao tuổi càng hạn chế.
Vì vậy, việc hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng vừa được HĐND thành phố thông qua ngoài ý nghĩa nhân văn còn là “cú hích” thúc đẩy Hà Nội tăng nhanh độ bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong thời gian tới. Trước mắt, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đạt 95,15%, năm 2030 đạt trên 98% dân số tham gia BHYT.
Châu Anh