Mặc đẹp, thanh lịch và tinh tế là điều mọi phụ nữ hướng tới. Nhưng, khi trang phục gợi cảm đi ngược lại với quy chuẩn văn hóa nơi bạn đến, đó chính là sự lố lăng, phản cảm, gây nên bức xúc cho xã hội.
Gợi cảm và phản cảm là ranh giới mong manh
Vài năm trở lại đây, việc ăn mặc phản cảm, lộ vòng một, vòng ba gây bức xúc trong dư luận dường như tăng lên. Nếu như trước đây điều này chỉ thấy ở những tụ điểm giải trí, ở một vài ca sĩ trẻ như ca sĩ Hương Tràm từng lộ nội y tại một câu lạc bộ khi đang biểu diễn, hay một vài nữ ca sĩ lộ hình ảnh với váy xuyên thấu, thì bây giờ không khó để bắt gặp trên đường phố những chiếc quần sooc ngắn tới mức lộ một phần của vòng ba hay lộ gần hết vòng một, khiến người đối diện nhiều khi cũng phải đỏ mặt.
Ảnh minh họa
Thậm chí, gần đây, sự hở hang còn “lan toả” tới môn thể dục như Yoga. Những động tác của Yoga giúp con người sống chậm, nhẹ nhàng lắng nghe từng chuyển động của cơ thể, cần được thưc hiện trong không gian yên tĩnh, nhưng lại được chị em mang ra giữa đường phố phô diễn, với những bộ đồ bó sát hoặc ngắn cũn cỡn. Trào lưu trải thảm tập Yoga giữa đường, không những không phù hợp ở nơi công cộng, đông đúc người qua lại, mà còn vi phạm hành vi lấn chiếm lòng đường, gây ảnh hưởng và cản trở đến các phương tiện giao thông, dễ xảy ra tai nạn ngoài mong muốn. Những hình ảnh thô tục và phản cảm, không đúng tinh thần Yoga này của chị em đã khiến nhiều cư dân mạng bức xúc và khó chịu.
Gợi cảm và phản cảm là ranh giới mong manh, phần cổ áo của chị em lấp ló 1/4 “núi đôi” nhìn khá gợi cảm, nhưng hở đến độ “nhũ hoa” như chực nhảy ra khỏi áo chíp thì không còn là gợi cảm nữa. Váy ngắn để khoe đôi chân dài thẳng thắp sẽ rất đẹp, nhưng ngắn đến độ lộ rõ màu quần chip, khi bước chân lên những bậc tam cấp thật sự kém duyên. Hay những bộ trang phục xuyên thấu, nhìn rõ những bộ phận nhạy cảm của chủ nhân, đâu còn là gợi cảm nữa, mà là phản cảm. Mọi ánh nhìn đổ dồn về phía bạn vì sự kém duyên và phản cảm, khiến người xung quanh cảm thấy thiếu được tôn trọng, gây tò mò cho trẻ- nếu đó là môi trường có trẻ em tham gia.
Sự phản cảm còn là nguồn cơn, để những từ ngữ thiếu văn hóa được phát ra ở nơi công cộng. Hơn thế, sự khoe da thịt của bạn cũng góp phần làm tăng hooc môn ham muốn cho những kẻ biến thái. Trang phục kệch cỡm, lố lăng không phù hợp ở nơi công cộng còn là nguyên nhân khiến kẻ biến thái phát ra những ngôn từ khiếm nhã, kích động và thô tục ở nơi công cộng, tệ hại hơn là tấn công tình dục chủ nhân của bộ trang phục hở hang phản cảm nếu ở nơi vắng vẻ.
Cần có chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe
Chia sẻ về vấn nạn này, chuyên gia văn hoá Dương Văn Sáu nói: “Hiện tượng đó có thể gọi là lệch chuẩn, lệch chuẩn với văn hóa truyền thống, với thuần phong mỹ tục của dân tộc, lệch với cách ứng xử văn minh hiện đại của xã hội đương thời”. Điều này cũng thể hiện tư tưởng cá nhân, chủ nghĩa cá nhân thái quá, thiếu văn minh lịch sự, thiếu hiểu biết, coi thường cộng đồng, coi thường xã hội...
Còn với PGS-TS.Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội, vấn đề ăn mặc cũng là một vấn đề thuộc về văn hóa, phụ thuộc vào nhận thức. Việc thay đổi nhận thức cần thời gian, đòi hỏi sự kiên trì từ cả phía chính quyền và cộng đồng, để xây dựng môi trường văn hóa, tôn trọng các giá trị truyền thống và sự trang nghiêm của các địa điểm trang nghiêm.
Theo PGS-TS.Bùi Hoài Sơn, tình trạng ăn mặc phản cảm vẫn được tái diễn, thậm chí tăng lên, bởi mức xử phạt có thể chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, chưa tạo được ý thức mạnh mẽ trong người dân về việc tuân thủ các quy định. Hiện nay, các mức phạt thường dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng, một con số chưa đủ lớn để gây áp lực lên hành vi của người vi phạm, đặc biệt trong bối cảnh mức sống tăng cao.
Luật pháp dù đã có quy định, nhưng việc thực thi chưa đi vào đời sống thực tế một cách hiệu quả. Lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng có mặt để giám sát và xử phạt; trong khi ý thức của người dân còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác truyền thông, giáo dục và các biện pháp pháp lý.
Có thể thấy, việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với hình thể, không gian, hoàn cảnh và thời tiết, mà còn là thẩm mỹ, kiến thức, phông văn hóa của người mặc. Khi chọn cho mình một bộ trang phục đẹp lịch sự không những tạo được sự tự tin trong giao tiếp, mà còn giúp hài hòa với mọi đối tượng, khung cảnh không gian nơi công cộng. Ngoài ra, trang phục còn có một ý nghĩa rất quan trọng, qua trang phục người ta có thể nhận biết được gu thẩm mỹ, nghề nghiệp, tính cách và lối sống của người mang trang phục đó.
Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, trang phục đẹp không phản cảm, lố lăng sẽ giúp người mặc tạo ấn tượng tốt với mọi người và điều đó cũng thể hiện con người, phông văn hóa của người đó. “Bạn mặc gì, đến đâu, để bạn không lạc lõng, không phản cảm với không gian nơi bạn đến, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Nền tảng giáo dục, kiến thức xã hội, kiến thức về nơi bạn đến và văn hóa quốc gia nơi bạn sinh sống.
Thiết nghĩ, nên có những hình phạt đủ sức nặng để ngăn chặn sự gây rối ở nơi công cộng cho cả hai hành vi. Bởi, lời nói phản cảm, thô tục làm tổn thương người khác, trang phục phản cảm khiến người khác mất sự tập trung cũng gây ra những hệ luỵ trong cuộc sống. Có như vậy, mới góp phần giảm thiểu những hình ảnh mặc phản cảm và những ngôn từ lệch chuẩn không phù hợp ở nơi công cộng, vì sự tiến bộ của phụ nữ và sự văn minh của nam giới.
Vũ Minh Họa